Sản phẩm “Make in Viet Nam” và kỷ nguyên vươn mình trong lĩnh vực kinh tế

Việt Nam đang ở một giai đoạn phát triển quan trọng, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, sự vươn mình trong kinh tế là trạng thái chúng ta không đi theo quỹ đạo truyền thống mà phải đi vào một quỹ đạo cao hơn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Quỹ đạo tăng tưởng của Việt Nam trong gần 40 năm qua trung bình khoảng 5,7% mỗi năm. Nếu muốn đạt mục tiêu đề ra cho mốc 2030 và 2045, Việt Nam sẽ cần có 20 năm tăng trưởng kinh tế ở tốc độ 7% mỗi năm. GS Trần Thọ Đạt cho rằng, kinh tế số là câu trả lời quan trọng cho câu hỏi “vươn mình bằng cách nào?”.

“Đứng trước bước ngoặt trong hành trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần nhanh chóng xác định kinh tế số sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong hành trình này, là động lực mở đường cho một quỹ đạo tăng trưởng mới, nhanh và bền vững”  – GS. Trần Thọ Đạt nêu quan điểm.

GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh việc phát triển kinh tế số hướng đến nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế của chính phủ, đặc biệt khi thực hiện các chiến lược cập nhật công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể thích nghi và phát triển trong môi trường kinh doanh hiện tại.

Các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm đi tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành, chuyển đổi thành các doanh nghiệp công nghệ số, hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số xung quanh mảng kinh doanh lõi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược.

“Một điểm nhấn rất quan trọng của Chương trình chuyển đổi số quốc gia là “chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” – sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam”. “Make in Vietnam” sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và cung cấp các sản phẩm công nghiệp chất lượng cao trên thị trường quốc tế, bao gồm các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, ô tô, sản phẩm gia dụng, thực phẩm, đồ uống, thời trang, giày dép và mỹ phẩm,…

Để đáp ứng yêu cầu của “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp Nhà nước cần thay đổi và cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện hiệu quả sản xuất để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế”, GS. Trần Thọ Đạt cho biết.

Hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh để tăng sức cạnh tranh toàn cầu

Nhìn lại gần 40 năm đổi mới, tham luận của PGS, TS Phạm Thị Hồng Điệp, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Nguyễn Thị Nhung, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhấn mạnh, đường lối và quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân luôn được hoàn thiện và từng bước phát triển. Hiện tại, kinh tế tư nhân đã được ghi nhận là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công nghệ số made in Vietnam.
Doanh nghiệp Việt – Sản phẩm “Make in Viet Nam” và nền kinh tế tự chủ trong kỷ nguyên vươn mình. Ảnh internet.

Để phát triển kinh tế tư nhân lớn mạnh, xứng đáng với kỳ vọng, PGS. TS.. Phạm Thị Hồng Điệp và TS Nguyễn Thị Nhung cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh để tăng sức cạnh tranh toàn cầu là điều cần thiết.

“Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển do những rào cản thuế quan được dỡ bỏ. Tuy nhiên, là nước đi sau, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với qui mô vốn còn hạn chế, kinh tế tư nhân sẽ gặp không ít trở ngại trong quan hệ với cộng đồng kinh doanh quốc tế khi tham gia sâu vào thị trường thế giới.

Vì vậy, cần thúc đẩy tích tụ tập trung tư bản để hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tạo sức bật đáng kể và gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, những tập đoàn, công ty tư nhân hàng đầu ở các nước công nghiệp phát triển luôn đóng vai trò đầu tàu đưa quốc gia trở thành những cường quốc kinh tế”, tham luận của PGS. TS Phạm Thị Hồng Điệp và TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.

Việc khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu cần phải đi kèm việc chống các biểu hiện “lợi ích nhóm” gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tạo nên quan hệ “thân hữu” làm méo mó thị trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

“Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế nhà nước là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô nên sự tồn tại của nó là khách quan. Ở các nước phát triển, kinh tế nhà nước chỉ chiếm 10-15% GDP nhưng vẫn có thể thực hiện được sự mệnh đó. Kinh tế nhà nước chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh – những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Thực tế ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đã tham gia và thể hiện tốt trên nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có kinh tế nhà nước mới đủ khả năng thực hiện như xây dựng sân bay, cảng biển trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô; lĩnh vực hàng không… Vì vậy, Đảng cần tiếp tục chủ trương thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế đặc biệt các ngành/ lĩnh vực kinh tế trọng điểm để Việt Nam vươn ra trường quốc tế” – Tham luận có đoạn.

Xây dựng thể chế để bảo đảm năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế

Trong bối cảnh quốc tế có những biến động phức tạp, khó lường… thực tế đang đặt ra yêu cầu đối với đất nước về tăng cường khả năng tự chủ chiến lược, thực hiện tốt, hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, phát huy ngoại giao kinh tế để hạn chế rủi ro, đồng thời nắm bắt tốt những cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở trong nước, sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tạo sức ép rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh tạp chí Tài chính doanh nghiệp.
Ảnh tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

Xây dựng thể chế để bảo đảm năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế là một trong các định hướng giải pháp được GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, Hội đồng Lý luận Trung ương) nêu ra nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh mới.

“Chủ động hình thành các thể chế, chính sách, để khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; chủ động lựa chọn, nâng cao chất lượng thu hút và quản lý các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển đất nước; quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay từ nước ngoài, từ các tổ chức quốc tế; sử dụng hợp lý các hàng rào kĩ thuật phù hợp để bảo vệ thị trường trong nước; tham gia tích cực, có trách nhiệm vào xây dựng thể chế kinh tế, thương mại, đầu tư khu vực và toàn cầu; chuẩn bị các phương án ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài với kinh tế đất nước”, tham luận của GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn nêu quan điểm.

Bên cạnh đó GS, TS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, cần đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn, những vấn đề quan trọng đang cản trở sự phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Trong đó có việc xây dựng thể chế thúc đẩy quá trình hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các khu vực kinh tế, tạo lập các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững; tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, cần tiếp tục nâng cao sự thống nhất trong nhận thức về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, người dân, nhất là về sự sáng tạo và đột phá lý luận của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đi kèm với đó là việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường nhằm giải phóng và khơi thông các nguồn lực phát triển.

Made in Vietnam và Make in Vietnam khác nhau như thế nào? “Với sản phẩm Made in Vietnam, chúng ta không quan tâm đó là công nghệ nhập khẩu, lắp ráp hay sản xuất, chỉ quan tâm làm sao các giá trị được tạo ra ở Việt Nam càng lớn càng tốt. Nhưng đối với sản phẩm Make in Vietnam, chúng ta muốn các doanh nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ, từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, chủ động sản xuất tại Việt Nam”.

 

Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận