Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nghiệp với “mục tiêu kép”

Trước những thiệt hại và diễn biến ngày càng khó lường của đại dịch COVID-19, năm 2020 được dự báo là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới nhận định, nền kinh tế Việt Nam mặc dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021. Quyết tâm đạt “mục tiêu kép” của Chính phủ và cách ứng phó với dịch COVID-19 của các doanh nghiệp Việt Nam – như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho những nhận định trên.

Ông Bùi Văn Quỳ – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn họp trực tuyến APSN.

Vượt bão COVID-19

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động thích ứng, tìm các giải pháp và hướng đi riêng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”, nhiều doanh nghiệp không chỉ giữ được mức tăng trưởng ổn định mà còn có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng xã hội, cùng cả nước chung tay phòng chống dịch.

Đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, ông Bùi Văn Quỳ, PTGĐ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ: “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi, phát triển nền kinh tế đất nước. Hơn nữa, dịch vụ cảng giữ vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu giúp luân chuyển hàng hóa nên không thể bị đình trệ, gián đoạn. Ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp để vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, chia sẻ khó khăn với khách hàng, chung tay hỗ trợ cộng đồng nhưng đồng thời duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Trụ sở Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và hơn 50% thị phần cả nước, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn luôn chủ động, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Không phải đợi đến khi có dịch, mà trước đó, năm 2018, Tân Cảng Sài Gòn đã hoàn tất Đề án hiện đại hóa thủ tục giao nhận tại cảng Tân Cảng Cát Lái thông qua việc triển khai hệ thống Cảng thông minh (ePort), kết nối với cổng thanh toán NAPAS, cho phép khách hàng làm thủ tục và thanh toán qua mạng với tất cả các phương án giao nhận container tại cảng. Hiện nay, hệ thống ePort đã được triển khai đồng loạt tại các cảng thuộc hệ thống như: cảng Tân Cảng – Hiệp Phước TCIT, TCTT… Hiện 100% các hãng tàu trong và ngoài nước đang sử dụng dịch vụ cảng của TCT TCSG nước áp dụng lệnh giao hàng điện tử (eDO) với hàng hóa xếp dỡ tại cảng… Chính những nền tảng này đã tạo sự an tâm, thuận tiện cho khách hàng và giúp cho hoạt động tại Cảng không bị gián đoạn ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Được biết, trước những tác động của dịch COVID-19, Tân Cảng Sài Gòn đã nhanh chóng khởi động chế độ kết nối thông tin online qua email, viber, zalo; họp trực tuyến với khách hàng, hãng tàu qua các nền tảng trực tuyến; triển khai tối đa việc làm thủ tục giao nhận hàng hóa và thanh toán qua mạng; triển khai chữ ký số, đồng bộ với việc áp dụng các gói chính sách hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, hãng tàu trong giai đoạn COVID;… nhờ vậy, đã duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Sản lượng container xuất nhập khẩu qua các cảng thuộc hệ thống Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong 7 tháng đầu năm đã đạt mức cao kỷ lục, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm đến 62% tổng sản lượng container xuất nhập khẩu cả nước.

Cảng Cát Lái

Không dừng lại ở việc ổn định các hoạt động dịch vụ, thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn đã tích cực đồng hành cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền các quy định, chính sách về phòng chống dịch COVID-19 đến với toàn thể cán bộ công nhân viên, khách hàng, đối tác. Việc khảo sát y tế, kiểm tra tình trạng sức khỏe đối với các đoàn trong và ngoài nước đến làm việc tại Tân Cảng Sài Gòn được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, từ đó tạo hình ảnh chuyên nghiệp, sự yên tâm đối với đối tác khách hàng.

Sẵn sàng đón sóng EVFTA

Sau 9 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, đây được xem là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Ông Bùi Văn Quỳ cho biết, mỗi năm, các cảng biển tại EU xếp dỡ khoảng 4 tỷ tấn hàng hóa. Trong đó, lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics, kho bãi 11%, các dịch vụ logistics khác 43%. EVFTA thực thi có cơ hội gia tăng quy mô thị trường xuất nhập khẩu, kéo theo nhu cầu lớn đối với hoạt động logistics. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp, thị trường dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế.

EVFTA có hiệu lực thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường hết sức phức tạp và khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho cả EU và Việt Nam, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững. Ông Bùi Văn Quỳ cũng cho rằng, thực tế, thiệt hại về kinh tế, bất ổn về xã hội do dịch COVID-19 gây ra là rất lớn. Các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại để nắm bắt thời cơ, tận dụng những lợi thế mà EVFTA mang lại để phát triển thị trường, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Theo VLR

 

15:07:41 09-09-2020

Trước những thiệt hại và diễn biến ngày càng khó lường của đại dịch COVID-19, năm 2020 được dự báo là một năm khó khăn với nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới nhận định, nền kinh tế Việt Nam mặc dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn chịu đựng tốt và […]

Đối tác của chúng tôi