Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Thị Thanh Nga: Doanh nhân văn hóa tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh

VHDN: Vừa qua, tại Diễn đàn thường niên Văn hóa kinh doanh Việt Nam 2025 với chủ đề “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập hướng đến phát triển bền vững”, doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nga – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn (Đồng Tháp) vinh dự được biểu dương “Doanh nhân Văn hóa tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”.

 

Chương trình do Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Hội nghị – Văn phòng Chính phủ số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. Tham dự diễn đàn có ông Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XV; ông Nguyễn Lam – Phó trưởng ban, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam (Ban tổ chức) cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và gần 80 cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trên toàn quốc.

Chương trình được tổ chức nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 41 – NQ/ TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, hướng đến phát triển đội ngũ doanh nhân có chuẩn mực đạo đức, có văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới.

Đồng thời, thông qua chương trình nhằm ghi nhận và biểu dương các cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu đã thành công trong việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, góp phần hình thành bản sắc riêng cho văn hóa kinh doanh Việt Nam. Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa kinh doanh Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nga nhận cup Doanh nhân Văn hóa tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh.

Tại diễn đàn, doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nga – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn (Đồng Tháp) đã vinh dự được biểu dương “Doanh nhân Văn hóa tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”. Đây chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của bà trong suốt thời gian vừa qua.

Theo bà Nga, văn hóa doanh nghiệp không ở đâu xa mà nó hiện hữu ngay trong chính mỗi chúng ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng chính là cách để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Học Bác ở đức tính cần cù, chịu khó…

Đối với bà Nga, không lúc nào bà ngưng học tập theo Bác, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc bà luôn lấy Bác làm chuẩn mực, làm thước đo cho mọi hoạt động của mình. Bác chính là tấm gương sáng, là nguồn động lực to lớn giúp bà vượt qua những lúc khó khăn.

Năm 1996, bà Nga thành lập Doanh nghiệp tư nhân Trường Sơn với ngành nghề kinh doanh chính là: khách sạn, nhà hàng và buôn bán xăng dầu… Những ngày đầu thành lập, doanh nghiệp của bà gặp vô vàn khó khăn: vốn ít, kinh nghiệm quản lý chưa có, nhân sự không, khách hàng chưa nhiều… Một mình bà phải xoay xở làm mọi việc. Học ở Bác đức tính cần cù, chịu khó, bà chẳng nề hà việc gì, từ việc dọn dẹp, bán hàng, kế toán đến quản trị doanh nghiệp đều do một tay bà phụ trách. Bà đã phải làm việc gấp đôi, gấp ba người thường, thậm chí làm thâu đêm suốt sáng mới hết khối lượng công việc khổng lồ. Những lúc mệt mỏi, khó khăn, bà luôn khắc ghi lời dạy của Bác “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Với bản lĩnh và ý chí, nghị lực phi thường của người lính đã được tôi luyện trong môi trường quân đội, bà đã từng bước vượt qua khó khăn đưa doanh nghiệp ngày một phát triển đi lên. Hiện doanh nghiệp của bà Nga có vốn cố định lên tới hàng chục tỷ đồng với nhiều cơ sở kinh doanh như: Cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Đồng Tháp, Khách sạn Trường Sơn Đồng Tháp, Khách sạn Trường Sơn (nghệ An), Khách sạn Trường Sơn (Phú Quốc), Câu lạc bộ Billard (do con trai điều hành) và nhiều bất động sản ở Đồng Tháp, Phú Quốc… mỗi năm nộp ngân sách cho Nhà nước hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó chủ yếu là con em của các cựu chiến binh, gia đình chính sách, đồng chí, đồng đội….

Học Bác ở đức tính giản dị, khiêm tốn…

Tuy là một doanh nhân thành đạt, nhưng bà Nga lại rất giản dị và khiêm tốn. Tại các sự kiện quan trọng hay hội nghị, hội thảo, hình ảnh bà Nga với bộ quân phục màu xanh áo lính đã trở nên quen thuộc, thậm chí trở thành một “thương hiệu” riêng không lẫn vào đâu. Vốn xuất thân từ người lính nên bà yêu màu xanh áo lính và bà luôn tự hào mình là người lính bộ đội cụ Hồ. Trong công việc hay trong cuộc sống hàng ngày, vẫn đâu đó bắt gặp hình ảnh bà ăn vội gói mì hay củ khoai, bắp ngô… để dành thời gian cho công việc. Tuy thành đạt nhưng bà lại rất khiêm tốn, ham học hỏi, luôn chan hòa với mọi người, được đồng chí đồng đội yêu mến, nhân viên kính trọng.

Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Nga (mặc quân phục đứng giữa) trao quà cho các cháu học sinh trong chương trình “Ươm mầm ước mơ”.

Học Bác ở đức tính thương người…

Đối với nhân viên trong Công ty, bà Nga không coi họ là những người làm công ăn lương mà coi họ như chính những người thân trong gia đình. Chính vì vậy nhân viên của bà luôn yên tâm làm việc và cống hiến. Với những vị trí chủ chốt, bà luôn tin tưởng giao cho họ tự chủ tài chính, tự quyết định kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận. Mỗi khi gặp khó khăn, bà luôn có một đội ngũ quản lý giỏi, sáng tạo đột phá và sát cánh cùng với mình. Đối với cộng đồng xã hội, bà giúp đỡ mọi người bằng chính cái tâm của mình. Với quan niệm “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, suốt từ năm 2005 đến nay, bà đã trao hàng trăm phần quà cho các gia đình chính sách, các thương binh, bệnh binh, con em các cựu chiến binh, các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại địa phương nơi bà đang kinh doanh và trên khắp cả nước. Ngoài ra, bà còn tích cực tham gia đóng góp cho các phong trào tại địa phương như: ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ biển bảo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ… được các cấp chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.

Nay đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn không ngừng lao động và học tập. Đối với bà việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm suốt đời. Bà mong ước có thật nhiều sức khỏe để giúp đỡ được nhiều người khó khăn trong xã hội hơn nữa, đó là cách để bà trả ơn cuộc đời.

 

Quang Vinh

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2025)

08:50:09 10-07-2025

VHDN: Vừa qua, tại Diễn đàn thường niên Văn hóa kinh doanh Việt Nam 2025 với chủ đề “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập hướng đến phát triển bền vững”, doanh nhân cựu chiến […]

Đối tác của chúng tôi