Sự kiện - chuyên đề:

Đời người thầy thuốc

Lão đã 72, dáng người tầm thước, nước da trắng hồng, mái tóc dài phơ phất trắng, bồng bềnh… đẹp như một ông tiên. Ẩn sau cặp kính lão là một đôi mắt vẫn còn linh lợi lắm. Tự tay rót nước ra chén, đưa lên miệng làm một hớp, lão nhìn xa xăm, kể với tôi mà như đang nói với chính mình:

– Tuổi trẻ đúng là ngông cuồng và rồ dại ông ạ. Hồi sáu lăm, Mỹ đưa máy  bay ném bom vào Nhà máy nhiệt điện Uông bí. Khi đó đơn vị tớ đóng quân ở sát đấy. Bom dội tầm tã như mưa. Mấy đơn vị pháo cao xạ thi nhau nhả đạn. Anh em chúng tớ đội bom lửa vác đạn xông trận. Xông pha trong lửa đạn mà không một mảnh bom nào vào người, thế mới lạ chứ. Nhưng sức ép của những dàn bom chùm làm cho bọn tớ trồi lên vật xuống, ộc máu mồm máu mũi… Còi báo yên, đơn vị được lệnh đến cứu nhà máy. Ôi trời, tan hoang hết cả, không gian khét lẹt, khói lửa mịt mù. Những cô gái tự vệ và thợ điện bị bom Mỹ giết hại nằm la liệt trên mặt đất, dưới hố bom, trôi dạt trên mặt hồ. Họ còn quá trẻ, chết tức tưởi quá. Người mất đầu, người mất chân mất tay, nhiều thân hình chỉ còn một cẳng chân hoặc một cẳng tay bùng nhùng trong quần áo… Bọn tớ đến gom nhặt những phần thi thể đó lại. Lẽ đời thì chân tay của ai lắp vào thi thể người đó, nhưng ông biết đấy, bom đạn tanh bành như thế tìm ghép đúng người là rất khó, mà máy bay Mỹ có thể trở lại bất cứ lúc nào. Vậy là để cho tiện, tớ lấy phần đầu của người này lắp vào phần thân của người kia cho “được việc”. Tất nhiên, nhiều đồng đội không đồng tình và cái việc tớ làm đã tới tai lãnh đạo cấp trên. Vài ngày sau, tư lệnh quân khu Đông Bắc về kiểm tra đơn vị, biết chuyện của tớ, thiếu tướng Tô Ký gọi tớ ra trước hàng quân. Chưa nói câu nào, ông đã dang tay táng mạnh một phát vào mặt. Tớ nổ đom đóm, mắt tối sầm và khụy xuống. Máu từ miệng trào ra mặn chát, vì bị gãy hai chiếc răng – lão lấy ngón tay vén môi, để lộ ra một khoảng tối trên hàm răng vẫn còn đều chằn chặn – Một đồng đội từ trong hàng quân lao ra đỡ và nâng đầu tớ đặt lên đùi anh ấy. Đó là Trung sỹ Đoàn Xuân Thôn. Tớ nghe anh ấy vừa ngồi vừa báo cáo:

– Báo cáo thiếu tướng tư lệnh. Cậu ấy còn trẻ người non dạ nên đã có hành động dại dột, không đúng, nhưng trong chiến đấu, đồng chí ấy là một người gan dạ, dũng cảm lắm. Xin thiếu tướng tha cho đồng chí ấy ạ.

Thiếu tướng nói điều gì đó rất gay gắt và giận dữ lắm, tớ nghe câu được câu chăng rồi ngất lịm… Tỉnh dậy, biết mình đang nằm trong trạm xá Trung đoàn. Người ngồi bên cạnh vẫn là Trung sỹ Đoàn Xuân Thôn. Anh ấy chăm sóc tớ chu đáo như một người mẹ chăm con. Lúc rảnh, anh ngồi phân tích những điều đúng sai cho tớ nghe. Rằng, nghĩa tử là nghĩa tận, và rằng chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm gom nhặt, trả đúng những phần thi thể cho từng người. Người nào ta không tìm thấy thì đành chịu. Nhất quyết không được “lắp ghép” tùy tiện như thế…Tớ nghe ra và thấy ân hận vô cùng…

Phục vụ quân đội cho đến khi giải phóng miền Nam thì tớ ra quân. Ngày ấy đang là bao cấp. Vất vả tìm việc mãi, cuối cùng tớ được vào làm việc tại một quỹ tín dụng ở thị xã. Đang đói khát, khổ sở, giờ được vào làm việc tại một cơ sở kinh doanh tiền, có đồng ra đồng vào, mình thấy như thể vừa chết đi nay được sống lại. Nhưng ông biết không, giám đốc quỹ tín dụng cũng là người từ quân đội ra, có học hành gì đâu. Vậy nên sau vài năm hoạt động, quỹ bị đổ bể, giám đốc cùng với bầu đoàn thê tử, trong đó có tớ phải ra hầu tòa. Xét xử hai lần, ông ta lĩnh án tử hình, còn tớ phải nhận chung thân. Tớ suy sụp hẳn. Chạnh nghĩ, có thể cái việc “lắp ghép thi thể” điên rồ hồi chiến tranh bây giờ tớ mới bị gánh hậu quả chăng?… May thay, ngồi tù được sáu năm thì tớ được ra trại, vì Tòa án tối cao xử giám đốc thẩm. Ông giám đốc quỹ được miễn tội chết, nên tớ và anh em được ăn theo.

Được tha tù nhưng gia đình tan nát hết cả. Vợ tớ làm đơn ly dị, mặc dù vợ chồng đã có ba mặt con. Ê chề và bi đát, tớ lang bạt nhiều nơi rồi dạt sang Trung quốc và học được cái nghề làm thuốc Bắc. Lại nghĩ, trước đây tớ đã làm những việc không phải thì bây giờ sẽ đính chính bằng việc cứu nhân độ thế… Về nước, hành nghề rồi gặp và lấy cô vợ khác. Hai vợ chồng đang sống vui vẻ thì đùng một cái, cô ấy đổ bệnh ung thư vú rồi qua đời…Vậy là hình như chuyện quả báo vẫn chưa buông tha và một lần nữa tớ lại sống cuộc sống đơn côi, buồn tủi và cô đơn…

Dù vậy, hằng ngày tớ đi lang thang khắp nơi tìm cây thuốc chữa bệnh, cứu người mong sửa lại lỗi lầm. Vào một buổi chiều thu vàng nắng, sau khi kiếm được một ít vị thuốc ở một làng nọ, tớ đi ra đường quốc lộ rồi vào một quán nước ven đường. Đang nhâm nhi chén trà, thì bất thần từ ngoài đường có nhiều tiếng kêu thất thanh “rơi người rồi”… Bà chủ quán tất tả chạy ra, tớ cũng bỏ chén trà đi ra cửa quán. Lát sau, bà chủ quán và một người nữa khó nhọc dìu một người phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi, da dẻ xanh xao, dáng người còm cõi, đầu tóc xõa xượi vào quán. Ngồi dựa vào vách quán, người phụ nữ được bà chủ cho uống nước. Lát sau tỉnh dần rồi cô ta kể cho chủ quán và cả tớ nghe về cuộc đời cơ cực của mình. Số là cô ấy đã có chồng và hai đứa con. Cuộc sống đang yên lành thì chồng cô ấy do uống rượu quá nhiều, nên đã đổ bệnh, qua đời. Hai ba năm nay, cô ấy cũng lâm bệnh, chẳng làm được gì. Hai gia đình nội ngoại đều nghèo nên ốm đấy mà chả có tiền chữa trị. Bệnh tình của cô ấy mỗi ngày mỗi tăng. Hôm nay, người nhà chồng nói là đưa cô ta đi bệnh viện, nhưng đi đến đây thì họ cố tình “làm rơi” để mặc cô ấy muốn ra sao thì ra…

Nghe chuyện người phụ nữ, sống mũi tớ bỗng cay cay, nước mắt nhòa đi. Tợp ngụm nước, tớ xích lại gần, dò hỏi bệnh tình của cô ấy thế nào. Cô ta kể tỷ mỉ cho tớ nghe về những biểu hiện của mình rồi kết luận “bệnh của em vô phương cứu chữa rồi ông à. Giờ bị gia đình bỏ rơi, chắc chỉ dăm ba ngày nữa là em chết thôi”. Tớ cười bảo “cô không chết được đâu. Tôi là thầy thuốc đây, tôi sẽ chữa cho cô”, vừa nói tớ vừa chìa cho cô ấy xem những cây thuốc để làm tin. Người phụ nữ nhìn tớ rất lâu có vẻ nghi hoặc rồi lát sau nói như thỉnh cầu “nếu được ông chữa khỏi bệnh, em đội ơn ông lắm lắm. Nếu em khỏi, ông muốn gì, em xin nghe lời”. Thú thực, người phụ nữ ấy ngoài thân hình tiều tụy, nước da xanh mét, tóc tai xơ xác, mình thấy đôi mắt thật thông minh và khuôn mặt có những nét rất duyên và phúc hậu. Trả tiền nước chủ quán xong, tớ bảo “bây giờ tôi bắt tắc xi, cô theo tôi về nhà trị thuốc, được chứ!?”. Bà chủ quán động viên người phụ nữ và cứ xuýt xoa “phúc đức quá. Cô theo ông ấy về chữa thuốc đi may ra còn kịp”. Rồi bà ra vẫy giúp xe tắc xi, cùng tớ dìu người phụ nữ ấy lên xe.

Tớ đưa Quỳnh, người phụ nữ kém mình 13 tuổi này về nhà và tiến hành bắt mạch, chẩn bệnh và chữa trị. Hình như ăn uống khem khổ, bệnh tình lại nặng nên nó đã tàn phá sức khỏe và nhan sắc của người đàn bà mới hơn ba mươi tuổi này. Vậy nên khi được bắt trúng bệnh, chữa đúng thuốc và ăn uống đầy đủ, chỉ hơn ba tháng sau, sức khỏe của Quỳnh đã trở lại bình thường. Một khuôn mặt thanh tú, đầy đặn, phúc hậu với đôi mắt linh lợi đã trở lại trên thân hình cân đối của cô ấy. Hằng ngày, ngoài việc phải điều trị, Quỳnh giúp tớ thái, phơi, sao tẩm các vị thuốc và học cách bắt mạch, kê đơn. Sức khỏe của cô ấy ngày một tốt hơn, da dẻ hồng hào và trông bắt mắt lắm…

Vào một đêm trời không trăng nhưng đầy sao, chúng tớ ra ngồi trên chiếc chõng tre giữa khoảng sân gạch vừa uống nước, vừa ngắm trời. Tớ buột miệng hỏi Quỳnh:

– Giờ sức khỏe của em đã khá. Em có thể trở về với hai đứa con của mình…

Quỳnh nhìn tôi với đôi mắt biết ơn giọng run run:

– Em cảm ơn anh đã cứu mạng em. Em đã qua khỏi cái chết. Em chịu ơn anh nhiều lắm. Không có anh, chắc giờ này em đã nằm sâu dưới ba tấc đất rồi. Anh ở có một mình, cũng buồn và vất vả. Nếu anh không chê, em nguyện làm vợ của anh, được không?

Khỏi phải nói tớ vui đến mức nào. Tớ đứng dậy, đặt tay lên đôi vai tròn trịa của Quỳnh và ôm cô ấy vào lòng. Tớ cảm ơn cô ấy đã không chê tớ già, không chê tớ nghèo mà tự nguyện gắn bó với tớ trong đoạn đời còn lại…

Hôm sau, tớ làm mấy mâm cơm mời anh em bè bạn đến mừng vợ mới. Sau đó là một quãng thời gian vợ chồng tớ sống thật hạnh phúc. Nhưng thỉnh thoảng, tớ lại thấy Quỳnh thẫn thờ, mắt đăm đắm xa xăm. Biết là Quỳnh nhớ con nên tớ đưa ít tiền, bảo Quỳnh bắt xe về thăm con, khi đó hai đứa cũng đã bắt đầu trưởng thành và đang ở với ông bà nội. Về dăm ba ngày, Quỳnh trở lại và cùng tớ tiếp tục làm thuốc, chữa trị cho mọi người. Kể từ đấy, cuộc đời tớ  được sang một trang mới. Trong bữa ăn, trong giấc ngủ, tớ lại được bàn tay của phụ nữ âu yếm, chăm sóc. Quỳnh tâm sự, cô ấy cũng mãn nguyện với cuộc sống thực tại của mình.

– Vậy là cuối đời, ông cũng có cuộc sống đầm ấm, điền viên rồi còn gì, thật bõ những tháng ngày cơ cực – tôi góp chuyện. Lão nhìn tôi, lắc đầu:

– Không đâu ông ơi. Hôm nay làm bốn chín ngày cho ông anh tôi, ông Đoàn Xuân Thôn đấy, tôi lên thắp hương cho anh và gặp ông, nói chuyện vậy thôi. Chứ tôi lại sắp phải chia tay bà ấy rồi ông ạ.

– Sao lại chia tay? Chẳng phải ông đã nói là bà Quỳnh cũng mãn nguyện với cuộc sống thực tại hay sao. Và ông cũng thế mà.

– Đúng là như thế. Nhưng sự đời đâu đơn giản. Cách đây ba tuần, thằng con trai và đứa con của Quỳnh đưa cả các con sang nhà tôi. Chúng cảm ơn tôi đã cứu mẹ chúng khỏi lưỡi hái tử thần rồi khẩn khoản “xin bác cho mẹ cháu về quê sống với cháu với con”.

– Và ông chấp nhận?

– Biết làm sao được ông. Tình mẫu tử mà, thiêng liêng lắm chứ. Ban đầu, khi chúng nói thế, tớ bảo “tôi đã cứu chữa và nuôi mẹ các anh các chị hơn chục năm rồi. Nay các anh các chị đón bà ấy về, phải trả tiền chữa trị và tiền tôi nuôi dưỡng bà ấy ngần ấy năm mới được chứ”. Hai đứa nhìn nhau rồi cuối cùng thằng anh mạnh dạn “dạ thưa, chúng cháu nhất trí sẽ gửi tiền bác để đón mẹ cháu về. Bác cho chúng cháu biết số tiền ấy là bao nhiêu để chúng cháu còn về lo thu xếp”. Tớ nói đại “hai trăm triệu đồng, có lo được không?”. Hai anh em nó nhìn nhau vẻ ái ngại rồi quyết định tuần sau sẽ đem tiền sang “chuộc mẹ”.

Đêm ấy, nằm bên vợ, tớ thấy rất buồn. Cho dù là vợ nhặt, nhưng bọn tớ đã sống cuộc sống vợ chồng mười mấy năm giời. Mà sống lại tâm đầu ý hợp mới hay chứ. Giờ phải chia tay thật chẳng dễ chút nào. Quỳnh cũng động viên tớ cố gắng giữ gìn sức khỏe, về với con cháu nhưng thỉnh thoảng sẽ sang thăm tớ bởi cô ấy cũng không thể quên được ân nhân và cũng là chồng của mình.

– Thế, hai đứa con của bà Quỳnh đã đem tiền sang “chuộc mẹ” về chưa?

– Rồi. Đúng một tuần sau chúng nó sang, đem theo đủ hai trăm triệu đồng. Con em rụt rè “thưa bác, chúng con đã mang đủ tiền sang đây, mong bác cho mẹ con về quê …”. Nhìn những cọc tiền chúng nó xếp trên giường, lòng tớ quặn thắt, tê tái. Là tớ nói thế chứ lấy tiền của chúng mà làm gì. Mà chúng ở nông thôn, làm gì có tiền, chắc lại đi vay lãi để quyết đưa mẹ về đấy thôi. Nghĩ thế, tớ càng thương và càng nghĩ về chúng tốt hơn. Tớ nói trong nước mắt “các con cất tiền đi. Nếu tiền của nhà thì đem về chi tiêu vào việc  khác. Nếu phải đi vay thì đem trả người ta. Bác đã sống với mẹ các con hơn chục năm nay. Một ngày cũng nên nghĩa mà. Nhưng nghĩ các con đã lặn lội sang đây xin đón mẹ về, bác đành phải để mẹ các con về thôi. Nhưng các con biết không, bác cũng buồn lắm đấy”. Cả hai anh em nó và Quỳnh đều bật khóc. Hình như tất cả những khổ đau mà mỗi người đã phải nếm trải, phải trải qua trong suốt những năm qua bị dồn nén, giờ được giải tỏa trong sự cảm thông, bao dung nên ai cũng rưng rưng…

Trưa ấy, Quỳnh làm cơm đãi hai con rồi nói với chúng “các con về trước đi. Mẹ ở đây với bác thêm nửa tháng nữa để giúp bác làm xong mẻ thuốc này đã. Về với con với cháu là vui, nhưng một ngày nên nghĩa, nếu không có bác thì mẹ đã bỏ xác lâu rồi. Giờ về với các con nhưng thỉnh thoảng, các con phải cho mẹ sang thăm bác đấy nghe chưa. Cả hai đứa nữa, cũng phải sang thăm người đã cứu mẹ mình. Cái ơn cứu mạng này trả suốt đời cũng không hết được đâu…”. Chúng gật đầu đồng ý và hứa thi thoảng sẽ đưa cả mẹ và cả con cái sang thăm tớ, ông ạ. Vậy là chỉ còn chưa đầy mười ngày nữa thôi, tớ lại trở thành người độc thân rồi. Buồn đến nẫu ruột nao lòng, chả biết rồi tớ có trụ nổi nữa không..

Tôi nhìn lão, lòng cũng thổn thức. Mừng cho lão và cũng thương cho lão. Mong sao lão vẫn mạnh khỏe và minh mẫn trong những năm tháng cuối đời để thực hiện việc “đính chính” cái thời ngông cuồng và rồ dại ngày xưa. Và trong sâu thẳm, tôi nghĩ lão vẫn trụ vững, sẽ sống mạnh mẽ và tiếp tục chữa bệnh cứu người, trả cái nghĩa cho đời.

   Truyện ngắn của Phạm Xuân Đào

21:20:49 10-10-2018

Lão đã 72, dáng người tầm thước, nước da trắng hồng, mái tóc dài phơ phất trắng, bồng bềnh… đẹp như một ông tiên. Ẩn sau cặp kính lão là một đôi mắt vẫn còn linh lợi lắm. Tự tay rót nước ra chén, đưa lên miệng làm một hớp, lão nhìn xa xăm, kể […]

Đối tác của chúng tôi