Xã Tân Sơn – nơi có hồ Cấm Sơn, nằm tiếp giáp với huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Nơi đây còn rất nhiều công trình kiến trúc trình tường đất rất ấn tượng, nhất là ở thôn Bắc Hoa. Từ nhà ở, công trình phụ, tường rào, chuồng trại… tất cả đều bằng tường đất nện. Thôn có hơn 100 hộ, phần đông là dân tộc Nùng và có khoảng 90% còn giữ được và sinh sống trong các ngôi nhà tường đất. Cuộc sống luôn có sự vận động, phát triển nhưng theo thời gian kiến trúc tường đất ở Bắc Hoa chưa bị mất đi nhiều. Người dân còn giữ được nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống như làm áo chàm, hát dân ca soong hao, làm xôi ngũ sắc… Để tô điểm thêm cho bản làng, đồng bào trồng thêm đào, mận để tạo cảnh quan trên các khu đồi và ven đường.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, Chu Văn Then giới thiệu: Tuy đơn sơ vậy nhưng nhiều ngôi nhà trình có tuổi thọ bằng mấy đời người. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà đất 3 gian lợp ngói âm dương đã óng màu thời gian của gia đình ông Vi Văn Sắt. Ngôi nhà có tuổi thọ gần 40 năm nằm chênh vênh trên sườn núi. Trước mắt tôi, từng bức tường đất đơn sơ phủ đầy rong rêu, đâu đó có vết nứt chưa được duy tu. Giờ đây vợ chồng ông Sắt đã có bốn mặt con, cháu nội, cháu ngoại nhưng công trình vẫn vững chắc, là kỷ niệm không thể quên của vợ chồng ông.
Đối với người Tày, Nùng, gian giữa là vị trí quan trọng nhất trong nhà và được chọn làm nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Tùy theo thiết kế, có nhà làm buồng riêng hoặc vách ngăn nhưng thông thường ở Bắc Hoa nhà không có vách ngăn mà chỉ được phân chia bằng một tấm mành bằng vải. Kết cấu được xem là có giá trị nhất của ngôi nhà nằm ở bộ khung với các cột gỗ, vì kèo dựng bên trong khá vững chãi. Đồng bào nơi đây kể, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa, ngô chất đầy nhà, chủ hộ sẽ chọn ngày đẹp và nhờ thầy cúng làm lễ động thổ xây cất nhà mới. Thời điểm làm nhà trình tường thường diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 12, vì khi đó thời tiết hanh khô, ít mưa và cũng là lúc nông nhàn, mọi người dễ dàng hỗ trợ nhau. Ở bản Bắc Hoa, hễ gia đình nào làm nhà thì anh em, họ hàng, láng giềng xúm vào giúp đỡ. Mỗi người một chân một tay, đàn ông thì đào đất, trình tường, dựng cột, lợp mái, phụ nữ thì lo chuyện cơm nước, dọn dẹp vòng ngoài.
Nhà tường trình có ưu điểm ấm về mùa mùa đông, mát mát mẻ mùa hè nhưng nhược điểm là trời mưa nhiều thì ẩm thấp. Vì thế đồng bào nơi đây thường chọn nơi cao ráo để xây dựng, gian bếp được thiết kế ngay hông nhà để giảm bớt độ ẩm khi thời tiết mưa nhiều. Làm nhà tường đất cũng không quá cầu kỳ và tốn kém, nhà nào khá giả thì dựng thêm bộ khung gỗ tốt bằng gỗ lim, gỗ táu còn không thì dùng gỗ tạp cũng có thể dựng khung. Vật liệu làm nhà có tại chỗ, chỉ cần đào những chỗ đất thịt có pha chút sỏi cơm cho thêm ít nước tạo ẩm để tạo độ kết dính cao. Đồng bào đổ đất vào khuôn gỗ rồi sử dụng chày gỗ nèn nện thật chặt sao cho nhựa đất kết chặt vào nhau, tháo khuôn ra sẽ tạo thành bức tường khỏe và chắc chắn. Thường thì tường nhà dày khoảng 40cm, cũng có nhà dày 50cm, cao 2-3m. Mỗi ngôi nhà có từ 2 đến 4 ô cửa nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng. Thời gian để hoàn thành mỗi công trình kéo dài từ 2 đến 3 tháng với sự góp sức tích cực của cả cộng đồng.
Chúng tôi chia tay Bắc Hoa khi mặt trời đã lên cao, trong tôi bỗng gợn lên một suy nghĩ chưa thể lý giải nổi, biết đâu một ngày nào đó khi cuộc sống khấm khá hơn đồng bào sẽ phá bỏ nhà đất để xây nhà bê tông? Thực lòng tôi vẫn mong rằng, bằng cách nào đó bà con nơi đây có thể bảo tồn những kiến trúc đốc đáo ấy làm kỷ niệm cho mai sau. Và việc này muốn bền vững cần gắn với phát triển du lịch cộng đồng – đó cũng là vấn đề đang được chính quyền và người dân nơi đây quan tâm. Tất nhiên, để thực sự bài bản và thành công cần có những “phù thuỷ” thổi hồn, dẫn lối, cầm tay chỉ việc giúp bàn con, cộng thêm sự trợ giúp của chính quyền các cấp.
Đông Khánh
VHDN: Cuối năm, khởi đầu bằng một chuyến đi đầy hứng khởi đến các bản làng vùng cao huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Đọng lại nhiều cảm xúc nhất với tôi là những ngôi nhà trình tường đất rất đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng ở thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn. Xã Tân […]