Sự kiện - chuyên đề:

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đến với chính sách BHYT

VHDN: Theo quy định của Luật BHYT, người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được Ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng 100% kinh phí mua thẻ BHYT, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho người dân khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Bác sỹ thăm khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, tỉnh Kom Tum

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Võ Công Đức cho biết, tính đến cuối tháng 10/2018, toàn tỉnh có 265.704 người DTTS có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 95% tổng số người DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Nhiều năm về trước, khi bị ốm đau, bệnh tật, thường đồng bào DTTS ở Kon Tum hay tìm đến các thầy mo để cúng giải hạn hoặc tự cúng cầu nguyện theo tập tục lạc hậu, trong đó không loại trừ kẻ xấu lợi dụng, cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhằm đưa chính sách BHYT về với người dân nói chung, người đồng bào DTTS nói riêng, trong nhiều năm qua BHXH tỉnh đã tăng cường đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: phát thanh tuyên truyền lưu động ở vùng sâu, vùng xa; phát thanh trên hệ thống truyền thanh của xã bằng một số thứ tiếng đồng bào DTTS với nội dung những điều cần biết về BHYT; kịch ngắn truyền thanh về những câu chuyện BHYT; tổ chức lưu diễn văn nghệ, kịch sân khấu hóa, kết hợp với treo băng rôn tại cơ sở trong mỗi đợt lưu diễn; chiếu phim tài liệu về công tác KCB BHYT, kết hợp phát tờ gấp tuyên truyền bằng tiếng DTTS đến tận tay người dân; tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại trực tiếp tại các khu dân cư vào ban đêm để người dân có điều kiện tham gia đông đủ… Cách tuyên truyền đó đã tạo chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi hành vi của người dân trong tham gia BHYT, trong bảo quản thẻ và đi KCB bằng thẻ BHYT thay vì giữ thói quen lạc hậu, mê tín dị đoan.

Để giúp người dân hiểu sâu sắc hơn về chính sách BHYT, bên cạnh việc tuyên truyền, cơ quan BHXH đã đẩy mạnh hình thức tư vấn, đối thoại trực tiếp với người dân; mời nhân chứng là những bệnh nhân từng bị bệnh nặng đã được điều trị khỏi, những bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán số tiền lớn chia sẻ tại hội nghị…, đã tác động mạnh mẽ đến cách nghĩ, cách làm của nhiều người, nhiều gia đình và lan tỏa dần ra cả bản, làng làm theo. Theo đó, số lượt người KCB của đồng bào DTTS mỗi năm một đông thêm: năm 2016 có 142.473 lượt người KCB bằng thẻ BHYT (chiếm 16% tổng số lượt bệnh nhân KCB toàn tỉnh); năm 2017 là 145.781 lượt và 9 tháng đầu năm 2018 là 114.927 lượt, với tổng số tiền thanh toán 44,5 tỷ đồng. Theo Phòng Giám định BHYT, ước tính cả năm 2018 sẽ có xấp xỉ 195.000 lượt, với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Nhìn chung, số lượt KCB BHYT của người DTTS và kinh phí quỹ BHYT chi trả hàng năm cho nhóm đối tượng này, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cán bộ BHXH huyện Đăk Glei hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng thẻ BHYT.

Cuối tháng 9/2018, gặp chúng tôi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, ông A Nghích (1975) – làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy đang làm thủ tục xuất viện sau 47 ngày nằm viện điều trị bệnh suy hô hấp không phân loại nơi khác, cho biết: “Mình ở xã đặc biệt khó khăn, cả 5 người trong nhà đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. Mình trị bệnh ở đây được bác sỹ chăm sóc chu đáo, mọi khoản viện phí, thuốc men được quỹ BHYT chi trả 100%, số tiền chi trả lần điều trị này hơn 119 triệu đồng. Những ngày nằm viện, mình và người nhà còn được ăn cơm miễn phí nữa. Ngày trước, được cấp thẻ BHYT nhưng chưa quen dùng nó, mỗi khi nhà có người đau, mình thường dùng các bài thuốc dân gian hoặc khấn vái. Mấy năm nay, cán bộ BHXH hướng dẫn đi khám y tế, nhờ vậy mà mình mau khỏe hơn. Giờ cái bệnh hết bệnh rồi, mình về đi rẫy thôi!”.

Cùng với cách nghĩ, cũng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi gặp chúng tôi, anh A Trình (1988) – thôn Măng Lon, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei vừa nói vừa đưa ra bì thuốc tây đủ các loại như để làm bằng chứng: “Đây, mình vừa nhận thuốc, nhiều lắm, lần này về nhà uống mà. Mình nằm viện 13 ngày rồi, điều trị chứng bệnh chảy máu tiêu hóa không đặc hiệu, được BHYT trả toàn bộ, số tiền hơn 102 triệu đồng. Lâu rồi, làng mình ai cũng thế, cứ thấy trong người không khỏe là đi y tế thôi”.

Không chỉ ông A Nghích hay anh A Trình mà nhiều người thuộc diện đồng bào DTTS đi khám và điều trị bệnh cũng được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn, giúp người dân giảm gánh nặng chi phí KCB, tạo điều kiện mau chóng ổn định cuộc sống sau những thời gian điều trị dài ngày. Quả vậy, như cụ bà Y Hôi (1957) – thôn Long Đuân, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, nằm viện 46 ngày điều trị bệnh viêm phổi tác nhân không xác định, được quỹ BHYT chi trả số tiền hơn 104 triệu đồng… – “Được BHYT trả tiền trị bệnh trên một trăm triệu đồng, bà già biết ơn muốn khóc luôn, thẻ BHYT mà không có thì tiền bà già không chịu nổi, chắc chết thôi” – Cụ Y Hôi nghẹn lời kể.

Nhằm tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Võ Công Đức, BHXH tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể… đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền; hướng về cơ sở; huy động các già làng, trưởng bản, những người có uy tín tham gia vào đội ngũ tuyên truyền viên BHXH, BHYT nhằm giúp người dân hiểu, tham gia và vận động nhóm đồng bào DTTS còn lại tham gia BHYT. BHXH tỉnh sẽ hoàn thiện việc ký kết và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, đồng loạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên nhiều phương diện bao trùm tất cả các nhóm đối tượng, các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả người DTTS có đạo chưa có thẻ BHYT. Thực hiện cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng được NSNN đóng và hỗ trợ đóng theo đúng quy định. Tiếp tục mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT, thường xuyên tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn và khai thác cho đội ngũ này. Tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ, nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người DTTS sống tại vùng I có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hỗ trợ số tiền của học sinh tự đóng đối với học sinh người DTTS sống tại vùng I…

Quyết tâm cao độ của BHXH Kon Tum cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, việc thực hiện diện bao phủ người đồng bào DTTS tham gia BHYT, đi KCB bằng thẻ BHYT, thụ hưởng quyền lợi từ các dịch vụ BHYT, chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống, tất cả vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân./.

Thái Đông Hải

Chia sẻ
09:18:42 08-12-2018

VHDN: Theo quy định của Luật BHYT, người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được Ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng 100% kinh phí mua thẻ BHYT, góp phần giảm gánh nặng tài chính […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi