Đến thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, không mấy khó khăn chúng tôi tìm tới được địa chỉ: Điện “Phúc Tâm Linh – của đồng thầy Nguyễn Thị Hoa tại ấp Phong phú, xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, đang có khoa lễ, người ra vào tấp nập. Vì được báo trước, người chấp tác là một phụ nữ trung tuổi, (giúp việc cho đồng thầy) ra đón và mời chúng tôi vào bàn khách ngồi nghỉ, bà nói: trời nóng quá, hôm nay ngày rằm, khách xa về đông, nhưng cũng may là trưa rồi, khách cũng đã vãn, thầy bận việc chút xíu nữa là xong.
Cũng chẳng phải đợi lâu, vừa uống xong cốc nước mát thì đồng thầy Nguyễn Thị Hoa từ trong điện cùng hai thiếu nữ “đệ tử” ra tiếp chúng tôi. Vì đã trao đổi qua điện thoại và thông qua cung cấp thông tin của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục văn hóa Việt, nơi đồng thầy Nguyễn Thị Hoa đang sinh hoạt, nên câu chuyện trao đổi của chúng tôi diễn ra như người trong cuộc …
Thầy Nguyễn Thị Hoa sinh ra và lớn lên ở Bình Định, lấy chồng và lập nghiệp tại quê hương Long Phước – Bà Rịa. Trải qua hành trình gần 20 năm, với lòng thiện tâm, thầy Hoa đã dành nhiều thời gian vào việc sưu tầm, tìm hiểu những phong tục tập quán, các nghi lễ thờ cúng của địa phương, gắn bó tâm huyết với tín ngưỡng Thờ Mẫu Việt Nam. Nhờ ơn “bề trên” che chở độ mạng, khai sáng nguồn năng lượng trí tuệ, đồng thầy Nguyễn Thị Hoa đã gặt hái được nhiều thành quả rất đáng khâm phục. Từ việc chữa bệnh điên dại “Âm phần, bị cơ đày” cho hàng ngàn người từ vùng quanh ấp tới khắp nơi, đến việc tìm mồ mả thất lạc. Từ Bà Rịa – Vũng Tàu, đến quê hương Quảng Nam ra đến Quảng trị, Thừa Thiên Huế, đặc biệt là việc tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ đã hy sinh trên các mặt trận miền Nam và trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, bằng sự phát tâm Bồ Đề, hướng thiện, đồng thầy Nguyễn Thị Hoa chẳng quản ngại đường xa dặm thẳng, rừng thẳm núi cao, khe sâu vực thẳm, đâu người dân cần đến, tìm về thầy Hoa có mặt ngay. Đến nay thầy Hoa đã tìm và quy tập hàng ngàn hài cốt liệt sỹ và hài cốt gia tộc các họ bị thất lạc đưa về nơi an nghỉ tại các địa phương và về với gia tộc, họ hàng.
Thầy Hoa còn tự mình gom góp tiền mua đất xây dựng ngôi đền thờ các liệt sỹ, nhưng chưa kết nối được thông tin tới gia đình người thân hoặc gia đình người thân của liệt sỹ ly tán không còn. Sau khi xây dựng đền thờ xong, thầy bài trí sắp xếp bi ký, biển ghi ngày tháng, tên tuổi, địa chỉ của các chân linh liệt sỹ mà mình tìm kiếm quy tụ; lập đàn cầu siêu, thành tâm cúng tiến, không khi nào để hương lạnh khói tàn. Những người đồng nghiệp thường nói “Đầu đội việc thánh, vai gánh việc trần” dù việc “Tiên Thánh” có bận đến mấy, thầy Hoa cũng dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của mình để tham gia các công tác an sinh xã hội, giúp đỡ những gia đình nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Đều đặn hằng tháng, thầy cùng các đệ tử (Hội viên của Trung tâm) gửi quà hỗ trợ nuôi dạy 46 cháu nhỏ bị bỏ rơi, tại cơ sở chùa Huệ Đức, Sơn Mỹ, Hàm Tân, Bình Thuận. Thầy luôn tâm niệm: phải làm nhiều việc thiện; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, không chỉ của riêng ai mà là trách nhiệm chung của mọi người.
Hiểu được ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu đã khó, những người được coi là “con Cha con Mẹ” đang “hành đạo” mà giữ được đúng cái tâm sáng lại càng khó hơn. Thực tế vẫn còn đó những người lạm dụng tín ngưỡng Thờ Mẫu để làm điều bất chính, “buôn thần, bán thánh”, bất chấp mọi thủ đoạn để mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân mình, làm không ít người suy sụp kinh tế gia đình, vợ chồng chia rẽ, con cái ngơ ngác … Vì vậy tôi thường khuyên tất cả những người cùng trong bản hội phải luôn tu tâm tích đức, lấy thiện nguyện là chính, hãy bắt đầu bằng những việc làm cụ thể, tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, khuyến học, khuyến tài tại địa phương; quyên góp gạo, tiền, lương thực, thực phẩm ủng hộ đồng bào bị hoạn nạn thiên tai lũ lụt; tích cực tham gia công đức, tôn tạo phục dựng, xây dựng các di tích lịch sử văn hóa quê hương và đất nước.
Trong thế giới vô hình, có những hiện tượng diễn ra, rất gần gũi như một lẽ tất nhiên với cuộc sống đời thường. Nhưng khi cần lý giải mang tính khoa học lại là điều vô cùng khó khăn, gần như không thể. Chính vì lẽ đó khái niệm “Tín ngưỡng” là cách thừa nhận có thể thỏa mãn được phần nào về “ tâm tư, nguyện vọng ” của con người, tác động đến tâm lý và lòng tin về sự thành bại của cuộc đời, trong khi chưa thể giải thích được phần nào của thế giới vô hình… khả năng ngoại cảm của đồng thầy Nguyễn Thị Hoa đang diễn ra theo trình tự của cách đó…
Với những đóng góp trong nhiều năm qua, đồng thầy Nguyễn Thị Hoa đã được Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam tôn vinh danh hiệu: Nghệ nhân Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa Việt; Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Văn hóa Việt, thuộc Hội Khoa học Tâm lý giáo dục việt Nam trao: Bảng vàng tâm linh đất Việt – Lưu niệm vàng – Kỷ niệm chương và Bảng vàng Cống hiến.
Trần Thị Thư
VHDN: Thầy Hoa đã dành nhiều thời gian vào việc sưu tầm, tìm hiểu những phong tục tập quán, các nghi lễ thờ cúng của địa phương, gắn bó tâm huyết với tín ngưỡng Thờ Mẫu Việt Nam. Đến thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, không mấy khó khăn chúng tôi tìm […]