Sự kiện - chuyên đề:

Đông Triều(Quảng Ninh): Những “Uẩn khúc” trong việc chuyển nhượng thửa đất do cha mẹ để lại

VHDN: Ông Th là con trai thứ 6 trong gia đình, khi bố mẹ chết không để lại di chúc, ông Th quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất do bố mẹ để lại. Tuy nhiên, ông Th không thông qua ý kiến của các anh chị em trong gia đình mà tự ý chuyển nhượng thửa đất cho người khác…

Vừa qua, Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1961, trú tại Nam Sơn 1, phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả), bà Nguyễn Thị Nhân, ông Nguyễn Văn Duyệt, bà Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Ưa (cùng trú tại phường Đức Chính, thị xã Đông Triều). Nội dung đơn kêu cứu: ông Nguyễn Văn Thuyết (là bố đẻ của ông Hồng, Duyệt, bà Nhân, Duyên, Hà, Ưa) kết hôn với bà Nguyễn Thị Nhủ, sinh được 4 người con và sinh sống trên thửa đất số 23, tờ bản đồ số 39 tại xóm Vãng, thôn Yên Lâm, xã Đức Chính, huyện Đông Triều (nay là khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Sau khi bà Nhủ chết, ông Thuyết kết hôn với bà Lưu Thị Thành và sinh được 6 người con là Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Văn Th, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Ưa, và Nguyễn Thị Tuyết. Năm 1969, ông Thuyết chết không để lại di chúc, bà Lưu Thị Thành sống cùng con trai là ông Th tại thửa đất số 23, tờ bản đồ số 39. Năm 2003, bà Thành chết và không để lại di chúc. Ông Th là người quản lý, sử dụng đất và tài sản gắn liền với thửa đất nêu trên.

Đến năm 2013, ông Nguyễn Văn Hồng có đề xuất với ông Th về việc để lại một phần thửa đất để xây từ đường và xây hai gian nhà cấp 4 để con cháu về hương khói, thờ cúng, tuy nhiên ông Th không đồng ý. Cách đây khoảng 1 tháng, các anh chị em trong gia đình mới được biết ông Th đã bán toàn bộ thửa đất trên cho người khác mà không thông qua ý kiến của bất kỳ thành viên nào trong gia đình.

Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Văn Thuyết trao đổi với phóng viên.

Ông Nguyễn Văn Duyệt (sinh năm 1939, trú tại khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính) con trai cả của ông Nguyễn Văn Thuyết bức xúc chia sẻ “Tôi cùng 9 chị em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của bố mẹ. Nếu chú Th muốn bán đất đi để lên ở với các cháu thì phải nói với chúng tôi một câu, đằng này chú Th lại bán đất đi mà không nói năng gì cả”.

Để tìm hiểu về nguồn gốc thửa đất trên, PV đã gặp và trao đổi với ông Nguyễn Đức Dực (sinh năm 1938, trú tại khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính) là hộ giáp ranh với thửa đất trên. Ông Dực cho biết, mảnh đất mà ông Th hiện đang quản lý và sử dụng là đất do bố mẹ ông Th để lại. Khi hòa bình lập lại, ông Thuyết và vợ là bà Nhủ đã khai hoang và sinh sống trên mảnh đất đó.

Bà Đàm Thị Thẩm (sinh năm 1937, trú tại khu Yên Lâm 4, phường Đức Chính), là hàng xóm của ông Th cũng khẳng định: “Tôi về làm dâu và sinh sống tại đây khoảng 70 năm, tôi được biết thửa đất trên do ông Nguyễn Văn Thuyết khai hoang. Hiện tại thửa đất do ông N.V.Th quản lý, sử dụng là đất của bố mẹ ông Th. Cách đây gần 1 tháng, tôi nghe tin ông Th đã chuyển đi chỗ khác và có một cặp vợ chồng đến sinh sống tại đó”.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao ông Th có quyền chuyển nhượng toàn bộ thửa đất có nguồn gốc là do bố mẹ khai hoang, quản lý, sử dụng mà đáng lẽ ra khi bố mẹ chết không để lại di chúc, thửa đất phải được chia cho các hàng thừa kế theo quy định? Liệu rằng, việc ông Th chuyển nhượng thửa đất số 23, tờ bản đồ số 39 là trái pháp luật?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Vũ Hữu Qúy – Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh nhận định: Nếu nguồn gốc thửa đất là do bố mẹ khai hoang nhưng khi chết bố mẹ không để lại di chúc thì căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, phần di sản thừa kế của bố mẹ sẽ được phân chia đều cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Đối với trường hợp trên, cần xem xét hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ chuyển nhượng thửa đất… để xác định việc chuyển nhượng đất có hợp pháp hay không.

Hữu Hiệp – Tô Thương

09:59:09 08-04-2023

Đối tác của chúng tôi