Cùng với du lịch tắm biển, Cửa Lò chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo, có khả năng cạnh tranh cao gắn với đầu tư hạ tầng đồng bộ, an toàn, chuyên nghiệp để thu hút du khách với nhiều sự lựa chọn mới, rút ngắn thời gian nghỉ Đông, phát triển du lịch 4 mùa. Để thêm một lần du khách trong và ngoài nước biết đến một Cửa Lò: An toàn – Thân thiện – Mến khách. Biết đến và lan tỏa “Cửa Lò: Sắc màu của biển” với rất nhiều các hoạt động trải dài cho hết năm 2023. Thêm một lần khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An nói chung, Cửa Lò nói riêng cùng cả nước tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn văn minh và gìn giữ những giá trị truyền thống đặc sắc của địa phương; thể hiện sự quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần đưa quê hương Nghệ An phát triển nhanh, bền vững.
Thị xã Cửa Lò được tỉnh Nghệ An xác định là trục kinh tế trọng tâm và nằm trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Là địa phương có tiềm năng lợi thế về tài nguyên biển, cảng biển và tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực dồi dào cùng với 10km bãi tắm và vùng biển rộng lới có lợi thế về phát triển du lịch và kinh tế biển. Với tính chất là ngành kinh tế có tính liên vùng và xã hội hoá cao, sự phát triển du lịch không chỉ “bó” trong một lãnh thổ mà luôn vươn ra ngoài phạm vi hành chính một địa phương, một vùng, một quốc gia, một khu vực. Việc liên kết cho phép khai thác những lợi thế tương đối của các địa phương về tài nguyên du lịch, về vị trí giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cùng các nguồn lực khác cho phát triển du lịch của vùng. Vấn đề mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố và khu vực trong cả nước giữ vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công trong chiến lược phát triển du lịch.
Vì vây, để Du lịch Cửa Lò – dáng vóc của thành phố du lịch biển phát triển bền vững, xứng tầm trong thời gian tới, Cửa Lò cần tập trung cho việc kích cầu du lịch mùa thấp điểm để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và quốc tế về với địa phương, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá, hợp tác xây dựng không gian kinh tế du lịch trên cơ sở kết nối các tour, điểm, khu du lịch; khai thác và bảo tồn các di sản văn hoá. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế, chính sách, nhận thức và sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, vai trò động lực của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người dân tham gia hoạt động du lịch. Đồng thời, các yếu tố này phải được vận hành và chuyển động một cách hài hòa, xuyên suốt, nhất quán và hiệu quả. Vì vậy, cần có các giải pháp từ phía các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cùng phối hợp, hỗ trợ nhau nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch tỉnh Nghệ An trong những năm tới.
Trần Lâm Oanh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)
VHDN: Trải qua 116 năm hình thành địa danh du lịch và 29 năm xây dựng phát triển, thị xã Cửa Lò đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, mang dáng vóc của thành phố du lịch biển sầm uất, một địa chỉ nghỉ dưỡng lý tưởng, hấp dẫn. Cùng với du lịch tắm biển, […]