Sự kiện - chuyên đề:

Du lịch Cửa Lò: Tiềm năng triển vọng liên kết, hợp tác phát triển

VHDN: Với tính chất là ngành kinh tế có tính liên vùng và xã hội hoá cao, sự phát triển du lịch không chỉ “bó” trong một lãnh thổ mà luôn vươn ra ngoài phạm vi hành chính một địa phương, một vùng, một quốc gia, một khu vực. Việc liên kết cho phép khai thác những lợi thế tương đối của các địa phương về tài nguyên du lịch, về vị trí giao thương, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cùng các nguồn lực khác cho phát triển du lịch của vùng. Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An “Vấn đề mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố và khu vực trong cả nước giữ vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công trong chiến lược phát triển du lịch.

Biển Cửa Lò những ngày sang Thu – Ảnh Lâm Oanh.

Thị xã Cửa Lò được tỉnh xác định là trục kinh tế trọng tâm và nằm trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Là địa phương có tiềm năng lợi thế về tài nguyên biển, cảng biển và tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực dồi dào cùng với 10km bãi tắm và vùng biển rộng, có lợi thế về phát triển du lịch và kinh tế biển. Khi có cầu Cửa Hội kết nối Cửa Lò – Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đường nối Vinh – Cửa Lò, đường ven biển, Cảng nước sâu Cửa Lò, Cao tốc Bắc – Nam đi vào hoạt động, sẽ mở ra những vận hội mới cho Cửa Lò phát triển kinh tế – xã hội.

Với Cửa Lò, vấn đề trọng yếu là mở rộng và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững cho du lịch địa phương. Du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng mà còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Mới đây, trong chuyến công tác tại Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý phương án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò; dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường về quê Bác… Đó là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và khai thác phát triển du lịch của tỉnh. thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đàn là những trọng điểm du lịch của toàn tỉnh. Việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch theo hướng “Ba địa phương một hành trình, nhiều trải nghiệm” là hướng đi thực sự hợp lý. Từ đó, hình thành sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An, gồm: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), Khu đô thị du lịch biển Cửa Lò và Trung tâm Dịch vụ du lịch thành phố Vinh.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò chia sẻ: thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường quảng bá hình ảnh về du lịch Cửa Lò, về tiềm năng, các sản phẩm du lịch mới. Tập trung chỉnh trang đô thị, cảnh quan môi trường, tạo không gian xanh – sạch – đẹp và thân thiện. Chỉnh trang, tôn tạo các điểm đến du lịch tâm linh, du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm; tạo điểm check-in; tập trung xây dựng các sản phẩm từ các làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP,… phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Đặc biệt, thời gian này, thị xã Cửa Lò đang tập trung cho việc kích cầu du lịch mùa thấp điểm để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa và quốc tế về với địa phương vào mùa Thu – Đông, đồng thời sẽ thực hiện một cuộc “cách mạng lớn” nhằm thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo bước đột phá, phát triển xứng tầm với lợi thế, tiềm năng của đô thị du lịch biển.

Trong thời gian tới, Cửa Lò sẽ tập trung thực hiện tốt ba việc chính sau:

Một là, rà soát, điều chỉnh quy hoạch để phân bố lại nguồn lực phát triển du lịch theo hướng ưu tiên khai thác tiềm năng, lợi thế, giảm thiểu chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông. Phối hợp với các hãng hàng không mở thêm các đường bay trong nước và quốc tế. Hợp tác xây dựng không gian kinh tế du lịch trên cơ sở kết nối các tour, điểm, khu du lịch; khai thác và bảo tồn các di sản văn hoá.

Hai là, phối hợp xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đề xuất chính sách để vận động, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như: phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao.

Ao cá Bác Hồ tại Khu Di tích Kim Liên – Khu Di tích Quốc gia đặc biệt thu hút nhiều du khách tham quan – Ảnh Lâm Oanh.

Ba là, phối hợp đẩy mạnh quảng bá; xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch địa phương đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, công tác quản lý nhà nước về du lịch. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế, chính sách, nhận thức và sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, vai trò động lực của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người dân tham gia hoạt động du lịch. Đồng thời, các yếu tố này phải được vận hành và chuyển động một cách hài hòa, xuyên suốt, nhất quán và hiệu quả. Vì vậy, cần có giải pháp từ phía các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cùng phối hợp, hỗ trợ nhau nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch tỉnh Nghệ An trong những năm tới.

 

Lâm Oanh

Theo Tạp chí VHDNVN tháng 9/2022

15:32:58 09-09-2022

VHDN: Với tính chất là ngành kinh tế có tính liên vùng và xã hội hoá cao, sự phát triển du lịch không chỉ “bó” trong một lãnh thổ mà luôn vươn ra ngoài phạm vi hành chính một địa phương, một vùng, một quốc gia, một khu vực. Việc liên kết cho phép khai […]

Đối tác của chúng tôi