Sự kiện - chuyên đề:

Du xuân trên rẻo cao

VHDN: Xuân của người thành thị đến sớm, nhưng cũng tàn vội. Mồng năm, mồng sáu sáu âm lịch là người ta đã trở lại với công việc thường nhật. Còn xuân trên rẻo cao thì kéo dài dai dẳng. Có bao nhiêu món thừa người ta đổ lẫn với nhau, rồi rang thính ngô cho vào tạo thành nước dút. Phải ăn hết nước dút mới hết tết. Thế là xuân cứ liền tù tì cho đến tháng ba.

Nhớ mãi cái tết âm lịch cách đây không lâu, chúng tôi quyết định bỏ lại thành thị huyên náo về núi rừng yên ả du xuân. Từ thị trấn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), chúng tôi đi qua các xã Tân Phúc, Lâm Phú, Giao An, Tam Văn, Yên Khương. Nhiều con đường mới được mở vài năm trở lại đây, giờ, dù đã trải nhựa, song những con đường ấy vẫn nằm chênh vênh trên những sườn núi hiểm trở.

Nhìn từ dưới thị trấn ngẩng lên các bản, đường như dải lụa mềm uốn mình qua những quả đồi án ngữ, kẻ dọc, bổ ngang. Có đoạn, đường dựng đứng hướng thẳng lên trời. Có đoạn, đường chúi mình như muốn lao xuống vực. Đường xẻ đôi quả đồi. Đường vòng vòng quanh những trái núi, rồi chui tọt qua những cánh rừng bạt ngàn tre luồng. Phải phóng tầm mắt thật xa, ra hàng cây số mới thấy đường như kẻ một vạch đỏ trên miền biên viễn xa xôi, rồi cứ bé dần và mất hút.

Nhìn từ độ cao gần 200 mét xuống con sông Âm hiền hòa, những nương ruộng bậc thang nằm nghiêng nghiêng, bờ ruộng kẻ thành những ô vuông chằng chịt như hình bàn cờ. Bốn, năm guồng nước khổng lồ cứ quay từ từ, vận những khối nước đổ vào ruộng. Trên những thửa ruộng, cây ngô đã cao ngang đầu con trẻ, cây lúa đã bén rễ xanh đồng. Màu xanh của cỏ cây, hoa màu trải ra hút tầm mắt trên những bình nguyên bao la.

Xa xa là những cánh rừng mận nằm nghiêng nghiêng trên các sườn núi thoai thoải nở hoa trắng toát. Những cây đào đá cổ thụ, xám mốc, chôm chỉa trên những hốc đá chơi vơi, cánh hoa phơn phớt ửng hồng rơi lả tả như lông ngỗng rắc thắm cả triền đồi.

Dọc theo các bản làng, những ngôi nhà sàn trát đất, lợp bằng lá cọ nằm lẩn quất, lấp ló trong tán lá rừng. Có nhà trơ trọi, nằm cheo leo trên những gò đất. Nhà nào cũng đỏ lửa, khói bay nghi ngút qua những mái lợp sực nức mùi thịt nướng. Ở đây phần lớn là người Thái. Người Thái cũng chia làm hai nhánh gồm: Thái Đen (Táy Đăm) và Thái Trắng (Táy Khao). Thật ra trang phục của hai nhánh này khác nhau mới chia như vây? Chứ gái Thái cô nào cũng xinh, cũng trắng nỏn nà. Nhất là các em nhỏ pu phéo trong bộ váy đen, áo thêu hoa, đầu cuốn khăn piêu trông như con bướm xập xòe.

Các bà, các mế địu con sau lưng bằng một tấm vải lớn, chân đi đất đứng trước cổng nhà ngó nghiêng nhìn khách. Các cô gái tuổi non tơ quần tụ dưới dòng suối, thả những áng tóc dài mướt xuống làn nước biết gội rửa rồi í ới gọi nhau. Chúng tôi dừng xe dọc bên đường, từ trên cao lấy máy ảnh ra “chôm” lấy vào kiểu. Vừa thấy có kẻ ngoại đạo hướng ống kính về phía mình, các cô cười khúc khích rồi vội vã lên bờ lẩn trốn vào những cánh rừng. Bất chợt tôi cảm thấy hối hận, phải chăng mình đã vô tình mang một chút thành thị huyên náo để phá vỡ khung cảnh yên ả của núi rừng nơi đây? Chúng tôi lại lên xe đi vào các bản làng. Chao ôi, lạ thay, hóa ra trai bản cũng vui chơi bóng chuyền như người kinh. Mùa này mọi người đều không lên nương !

Chiều, trên rẻo cao trở tối mau. Khói sương bay lãng đãng trên cánh rừng bạt ngàn tre luồng, như buông chùng cây cối. Sương lửng thửng ngay trên đỉnh đầu. Sương đậu trên mái nhà tạo thành những hột nước nhỏ giọt góp cái lạnh vào không gian.

Có vô vàn cảm xúc mông lung trên rẻo cao. Bởi vì không có tiếng ồn ào của xe cô, nhà máy, chỉ có tiếng lào xào của lau sậy bị xô bạt trong gió. Thỉnh thoảng có sự góp nhạt của đôi, ba tiếng chim gù, hay tiếng be be của con dê núi trên những mỏm đá chơi vơi.

Buổi tối hôm đó chúng tôi đã ngủ lại ở Tam Văn. Đó là nhà ông Hà Văn Nguyên, một cán bộ chính sách xã. Ngoài trời lạnh ngắt. Sương trắng bàng bạc như muốn nuốt chửng xã Tam Văn một màu xám xịt, im lìm với cái lạnh tê tái. Trong nhà chúng tôi ngồi uống rượu ngô, rượu sắn, cảm thấy trong người như có luồng nóng chạy phừng phừng.

Giờ, người dân tộc cũng lịch sự lắm, không uống rượu bằng bát nữa, mà uống rượu vào cốc. Cái cốc cũng to gấp sáu đến bảy lần cái chén mắt trâu của người kinh. Người dân tộc nghĩ rằng, phải uống được nhiều rượu mới quý. Không chỉ con trai uống rượu, con gái cũng uống. Các cụ có tuổi hễ còn sức cứ uống.

Như bố ông Nguyên đã ngoài bát thập (80 tuổi) cũng uống ba chén, mặt đỏ phừng phừng. Uống rượu mà nhắm với món thịt trâu khô, hun gác bếp thì ngon phải biết. Còn nhắm với da trâu cảm giác dai dai, lại sần sật, uống bao nhiêu rượu mới biết say cho được. Đặc biệt là món rau cải đồi muối chua, cải mà người ta gieo cho nó mọc hoang dại trên đồi, khi lên ngồng thì ngắt về phơi sương, rồi vào rừng chặt lấy ống nứa non đem về cho cải vào đó. Họ có thể bỏ nhiều gia vị đi chăng nữa cũng chẳng ai biết, nhưng du khách ăn cảm giác rất hài lòng. Còn nhớ nhất với tôi là món tiết canh Dúi, người vùng cao gọi là chuột đồi.

Ở đây, trai bản mê rượu như mê gái. Nên được uống phải uống cho say. Uống khi cảm giác lâng lâng giống kiểu như muốn bay lên thì mới gọi là uống. Trong men say chếch choáng, đôi mắt tôi như díu lại. Giữa lúc đượm nồng men rượu, tôi thấy lòa nhòa hình ảnh già, trẻ, gái, trai của nhiều thế hệ trong một gia tộc đang nhảy múa, hò reo bên đống củi bập bùng ánh lửa. Tiếng xà xích đeo tay, tiếng hát như vang vang giữa núi rừng sâu thẳm. Và tôi biết, xuân vẫn còn dai dẳng trên rẻo cao. Giống như câu hát: khi con voi xuống sông uống nước/ em vào rừng đặt bẫy cài chông/ tháng ba…

Nguyễn Xuân Hoàng

10:04:22 26-01-2018

VHDN: Xuân của người thành thị đến sớm, nhưng cũng tàn vội. Mồng năm, mồng sáu sáu âm lịch là người ta đã trở lại với công việc thường nhật. Còn xuân trên rẻo cao thì kéo dài dai dẳng. Có bao nhiêu món thừa người ta đổ lẫn với nhau, rồi rang thính ngô […]

Đối tác của chúng tôi