Sự kiện - chuyên đề:

Du xuân tựa mạn thuyền rồng

Đến Huế vào những ngày đầu xuân, trời vẫn còn rét đậm, tôi đã có một đêm thả hồn trên sông Hương theo âm điệu ngọt ngào, dặt dìu của những làn điệu ca Huế trữ tình, sâu lắng. Trên thuyền chỉ có 6 người vừa đàn vừa hát, cùng những du khách ngồi trên hàng ghế đã cũ, hơi lạnh nước từ mặt sông phả lên. Đơn sơ vậy, mà sao kỳ thú! Cô gái trẻ nhất trong nhóm – tên Hoài Thu, có đôi mắt to, đẹp man mác buồn rất Huế – kể với chúng tôi: “Xưa kia. Chỉ có vua chúa mới được đi thuyền rồng nghe ca Huế. Nhưng bây giờ thì mỗi du khách khi đặt chân lên đây đều trở thành vua chúa…”. Quả là chỉ có hơn 10 năm lại đây, những “thường dân” như chúng tôi mới có dịp đóng vai vua chúa để chiêm ngưỡng một trong những vẻ đẹp “danh bất hư truyền” của xứ Huế. Chẳng thế mà người xưa vẫn lưu truyền câu ca:

Một đêm ngự mạn thuyền rồng

Còn hơn muôn kiếp nằm trong thuyền chài.

Ca Huế giờ đây không chỉ đơn thuần là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có xuất xứ từ một hình thức “dịch vụ” trong cái thời nhà nhà làm dịch vụ giữa thời buổi TP. Huế đang trên “bệ phóng” phát triển công nghệ du lịch. Vậy nhưng chúng tôi cũng không khỏi bị hớp hồn bởi cái tình của những nhịp bè bập bềnh, cái tình rất chân thật, dịu hiền của những cô gái mê mải trải lòng theo câu ca:

Một thương tóc xõa ngang vai/

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Một nhóm ca Huế phải có đủ cả ban ca và ban nhạc. Ban nhạc của nhóm ca Huế 6 người trên thuyền chúng tôi gồm: đàn nguyệt, sáo, sênh sứa, sênh tiền, và đặc biệt là hai cặp… tách uống nước. Chỉ chừng đó cũng đủ mang lại một không gian nghệ thuật ngập tràn trên chiếc thuyền bé nhỏ của chúng tôi, nhất là khi mọi người cùng hòa giọng trong điệu lý ngựa ô rộn ràng. Và cũng chỉ chừng đó thôi, cả một khung cảnh Huế mộng, Huế mơ đã trải ra trước mắt du khách, trong màn sương bảng lảng mỗi chiều trên bến Văn Lâu, có ai đó đang sầu, đang thảm, đang mơ về một bóng hình nhung nhớ… Người Huế vốn đa tình, đa cảm, nên những câu hò Huế cũng rất nặng tình. Và có lẽ vì thế mà những du khách chúng tôi cũng được truyền vào mình cái đa tình, đa cảm ấy khi uống vào lòng từng câu ca dịu ngọt, thơm thảo như dòng nước Hương Giang.

Con thuyền xoay đầu trở lái ngược lên Kim Long từ lúc nào, chúng tôi không hay biết. Chỉ thấy xa xa bóng chùa Linh Mụ thấp thoáng trên nền trời xám mờ. Một làn gió thốc vào khoang thuyền lành lạnh. Đã khuya rồi, tiếng hát vẫn còn buông dài trên sông, như không hề mệt mỏi. Hồng Thắm – cô ca sỹ dáng người mảnh mai, xinh xắn – tâm sự với chúng tôi: “Hát là cái nghề, mà hát với chúng em cũng còn là cái nghiệp…”. Chẳng thế mà ngày xưa có một cô thôn nữ bị bắt về cung làm tỳ thiếp, sống trong cung, không còn được cùng bạn bè đưa đẩy những câu hò, điệu lý trên sóng nước sông Hương, cô gái sinh bệnh mà chết. Phải chăng các cô gái Huế giờ đây cũng vậy – hát để sống và sống để hát? Vâng! Có lẽ chỉ vì sự say mê mà các nhóm ca Huế mới có thể hát liên tiếp 4-5 tiếng đồng hồ liền mỗi đêm mà không mệt mỏi.

Lao động nghệ thuật của những diễn viên ca Huế ở đây đầy ắp niềm vui nhưng không thiếu những nỗi buồn. Có khi vì bị chi phối việc gia đình, hát không hay, trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Hát hết mình, mà người nghe thờ ơ, cũng buồn phát khóc. Buồn nhất là vào những tháng mùa mưa phùn gió bấc, vắng khách, nhiều bữa chờ đợi suốt cả đêm mà không hát được một bài… Nhưng rồi tất cả những nỗi buồn cũng trôi qua theo từng đêm, như những giọt mưa rơi xuống dòng Hương Giang, cuối cùng cũng đổ ra biển lớn. Họ sống để hát, không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì trách nhiệm đối với di sản quý giá từ xa xưa truyền lại…

Tôi hỏi: “Thu nhập hàng tháng của anh được bao nhiều?”, anh Trần Thanh – người “anh cả” của nhóm nói: “Những tháng mùa khô thì được khoảng trên 5 triệu đồng/tháng, nếu hát thường xuyên. Còn mùa mưa ròng nhiều người không hát được một buổi, cuộc sống thiếu thốn lắm!”. Vậy nhưng, trong số trên 400 nghệ sỹ “nhân dân” của làng ca Huế trên sông Hương chưa ai bỏ nghề. Có những gia đình bảy, tám người, cả con, cháu, dâu, rể đều hát chung một nhóm.

Đêm nào cũng vậy, trên dòng sông Hương, trên dưới 100 chiếc thuyền rồng ken đặc một khúc sông đợi khách. Huế mộng mơ càng trở nên mơ mộng trong điệu hát đò đưa lúng liếng như những ánh mắt đa tình của những cô gái Huế. Và lòng ai lại xốn xang khi nghe câu hát từ xa xăm vọng lại:

“Chiều chiều trên bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm, ai thương, ai nhớ, ai trông…”.

Đầu xuân Canh Tý 2020

Phóng sự của Nguyễn Văn Mạnh

14:50:41 14-03-2020

Đến Huế vào những ngày đầu xuân, trời vẫn còn rét đậm, tôi đã có một đêm thả hồn trên sông Hương theo âm điệu ngọt ngào, dặt dìu của những làn điệu ca Huế trữ tình, sâu lắng. Trên thuyền chỉ có 6 người vừa đàn vừa hát, cùng những du khách ngồi trên hàng […]

Đối tác của chúng tôi