Nhưng khủng hoảng thì chắc Con Cưng đã thấy rõ. Khó có thể đong đếm được những thiệt hại đối với Con Cưng mà nguồn cơn chỉ là một sản phẩm liên quan đến nhãn mác ghi xuất xứ. Từ phản ánh của một khách hàng, các cửa hàng của Con Cưng đã bị kiểm tra.

Con Cưng treo thưởng 1 tỷ đồng nếu khách hàng phát hiện doanh nghiệp nhập hàng không chính hãng

Và đến giờ này, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Con Cưng, ông Nguyễn Quốc Minh vẫn khẳng định sản phẩm của Con Cưng đảm bảo chất lượng, xuất xứ. “Việc để sản phẩm lỗi khi đến tay khách hàng đầu tiên là trách nhiệm của Con Cưng, vì nhân viên kiểm soát hàng khi nhập kho không soát kỹ”. Sự thừa nhận này của ông Minh có lẽ chưa “xoa dịu” được dư luận và cũng thật khó để lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng đã từng đặt niềm tin vào Con Cưng.

Nhưng có thể còn nhiều vấn đề cần làm rõ, nhưng từ Khải Silk đến Con Cưng, những vấn đề về tính trung thực trong kinh doanh cần được nhìn nhận một cách toàn diện hơn nữa.

Đáng nói, cho đến nay, hầu như chưa có một đánh giá, lý giải toàn diện nào về vấn đề gian lận thương mại, nhất là đối với lĩnh vực xuất xứ. Nhưng ai cũng hiểu rằng, để đảm bảo cho sức sống lâu dài của một thương hiệu thì chất lượng và xuất xứ sản phẩm là một yếu tố sống còn.

Nhiều thương hiệu có thể bị biến mất do quy luật đào thải của thương trường, nhưng một thương hiệu mà bị biến mất do gian lận thì đó là sự “xỉ nhục” cho những thương hiệu chân chính khác. Tựu trung lại, một thương hiệu còn mãi với thời gian sẽ phải là một thương hiệu mà người tiêu dùng đặt niềm tin trọn vẹn nhất. Thương hiệu nào đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, thương hiệu đó có thể sẽ sớm đi vào dĩ vãng.

Trở lại câu chuyện Con Cưng hay Khải Silk, người tiêu dùng đã từng tự hào vì những thương hiệu ấy. Khải Silk thậm chí còn trở thành những món quà biểu tượng cho cả lĩnh vực ngoại giao. Còn Con Cưng, dĩ nhiên, là nơi mà nhiều bậc cha mẹ đặt niềm tin vào sản phẩm dành cho những đứa con hết mực yêu thương trong suốt giai đoạn đầu đời. Nhưng, niềm tin càng lớn bao nhiêu, thì cơ sở cho niềm tin ấy cũng cần phải vững chắc bấy nhiêu. Chỉ một sai sót nhỏ là có thể sụp đổ cả một thương hiệu. Điều ấy thực tế kinh doanh ở khắp nơi trên thế giới đã chứng minh. Khi quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp ngày càng phát triển, thì dĩ nhiên quản trị cũng phải được nâng lên tương xứng.

Người tiêu dùng không quan tâm đến những vấn đề nội bộ của một công ty hay cách thức quản trị của một thương hiệu. Điều người tiêu dùng luôn mong muốn chính là niềm tin của mình vào một thương hiệu nào đó không bị phản bội. Mà niền tin ấy, như đã nói, chỉ có thể được duy trì và kiện toàn dựa vào chất lượng và tính trung thực của sản phẩm.

Liệu Con Cưng có vượt qua được khủng hoảng? Liệu hàng Việt có lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng hay không? Những câu hỏi này dành cho tương lai.

Theo enternew