Bộ Y tế đang rà soát lần cuối dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến có hiệu lực trên cả nước từ 1/10/2019.

Theo đó, giá giường điều trị theo yêu cầu của bệnh viện hạng đặc biệt (1 giường/phòng) tối đa là 4 triệu đồng. Đối với các loại phòng có từ 2 – 4 giường, mức giá dao động từ 1,3 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/ngày.

Các cơ sở y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ không nằm trong diện bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, mức giá giường nằm dao động từ 900.000 đồng – 3 triệu đồng/ngày.

Các cơ sở y tế không thuộc 5 thành phố lớn và không phải bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, mức giá giường nằm nội trú từ 600.000 đồng– 2 triệu đồng/ngày.

Đối với chăm sóc sức khoẻ, người nghèo, vùng sâu vùng xa phải nhận được sự hỗ trợ của nha nước mới đúng với ý nghĩa nhân văn.

Hẳn chúng ta chưa quên phương châm người đứng đầu ngành y tế từng phát ra “lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động khám bệnh và điều trị”.Theo đó, sự hài lòng của người bệnh phải trở thành “tài sản vô giá” của cơ sở khám, chữa bệnh. Qua đó, các bệnh viện đã có sự thay đổi nhất định, tận tình hơn, chu đáo hơn trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin cho người bệnh, về quy trình khám, chữa bệnh, cũng như các thủ tục hành chính của ngành y tế.

Nói cách khác, ở tuyến bệnh viện công hiện nay đã có những đổi mới nhất định về cơ sở vật chất như phòng điều trị dịch vụ sạch sẽ, thoáng mát, có điều hòa, cơ sở vật chất khá ổn. Nơi chờ khám đều có ghế ngồi, máy báo số, nước uống, báo đọc, quạt mát… Dịch vụ căntin và các dịch vụ hỗ trợ khác trong bệnh viện cũng đã được cải tiến đúng theo xu hướng vừa đảm bảo chất lượng vừa hợp lý về giá cả.

Thế nhưng, nhân chuyện cái thông tư trên, xin nhắc lại một lần nữa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã được ban hành. Và để thực hiện Nghị quyết này, ngành y tế nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ từ phía các cơ sở y tế cũng như giảm các rào cản về địa lý, tài chính, văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước cũng như ngành y tế và cả hệ thống chính trị nỗ lực với mong muốn người dân khỏe cả về thể chất và tinh thần. Người dân được tiếp cận dễ dàng, công bằng và không cản trở về tài chính do đầu tư của nhà nước về chăm sóc sức khỏe ban đầu, về phòng bệnh hơn chữa bệnh, về y tế cơ sở, về phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Cũng có thể hiểu, công bằng trong y tế là mọi người không kể giàu, nghèo và các tầng lớp xã hội khác nhau đều nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe như nhau theo nhu cầu; những người nghèo hơn, sống ở vùng khó khăn hơn thì nhận được sự hỗ trợ và bao cấp của Nhà nước nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu giá giường dịch vụ có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày/người thì người dân không thể đáp ứng được. Y tế cũng là một vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Một đất nước phát triển sẽ hướng tới y tế tốt và giá cả hợp lý để mọi người dân có thể tiếp cận và sử dụng. Hiện các bệnh viện đang hướng tới tự chủ thì nên tập trung vào phúc lợi chứ đừng quá nặng vào thương mại hoá.

“Với quy định đưa ra mức chi phí khám chữa bệnh và dịch vụ giường nằm của dự thảo ở mức quá cao, ngoài sức chịu đựng của người dân. Làm chính sách đừng chỉ ngồi trong phòng lạnh và nghĩ ra một con số trên trời, không thực tế. Chỉ riêng giá điện tăng, người dân đủ lao đao, đủ khốn khổ rồi đừng bắt họ phải chịu khổ thêm nữa” – Giáo sư Phạm Gia Khải – nguyên viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam nói.

Điều này cũng có nghia, Y tế, giáo dục là các lĩnh vực đặc thù, mang tính toàn dân, do đó khi xây dựng các mức phí phải được tính toán dựa trên sức dân. Chứ với mức giá giường dịch vụ 3-4 triệu đồng/ngày chỉ có thể áp dụng cho tầng lớp thượng lưu mà thôi.

Theo Enternews