Hiện nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai là trên 550.000ha với các cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, hồ tiêu, macca, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lương thực, thực phẩm, lúa, mì, mía, bắp và rau. Ước tính ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai mang về giá trị trung bình hơn 30.000 tỉ đồng/năm, trong đó riêng lĩnh vực trồng trọt đạt trên 26.140 tỉ đồng.
Cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai, với sản lượng xuất khẩu trong năm 2021 ước trên 200.000 tấn, với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD. Tính đến cuối tháng 10/2022, mặt hàng cà phê đã xuất khẩu được gần 220.000 tấn/435 triệu USD, tăng gần 3% về lượng, tăng gần 30% về giá trị. Tỉnh hiện có khoảng gần 100.000 ha cà phê, năng suất bình quân 2,94 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 257.480 tấn; trong đó, diện tích cà phê sản xuất có chứng nhận khoảng hơn 36.000ha.
Giai đoạn trước năm 2017, hồ tiêu được giá, đỉnh điểm có thể đạt hơn 200.000 đồng/kg, nông dân đổ xô trồng nhưng do thiếu tính bền vững, sử dụng quá nhiều phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật khiến tiêu chết hàng loạt, người nông dân điêu đứng, phá sản. Hiện nay, người trồng tiêu đã chuyển sang hướng canh tác bền vững, sinh thái, hữu cơ, hướng tới bền vững về môi trường để đảm bảo thu nhập ổn định từ vườn tiêu. Đến nay dù người trồng tiêu đã có lãi, nhưng vẫn rất thận trọng, thực hiện xen canh, không độc canh và không mở rộng diện tích ồ ạt như trước, từng bước hình thành vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững cũng như nâng cao giá trị cây “vàng đen” trên đất Gia Lai. Phần lớn sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước có yêu cầu khắt khe về chất lượng. Bên cạnh bán tiêu thô, các hợp tác xã đã tự xây dựng được các sản phẩm tiêu đen, tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu ngũ sắc. Trong đó, một số sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện nay, tổng diện tích hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai là khoảng13.600 ha. Năng suất niên vụ trung bình đạt 3,37 tấn/ ha. Tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ cho năng suất ổn định và bán giá cao hơn hồ tiêu thường 20 – 22 ngàn đồng/kg, khoảng 110.000 đồng – 120.000 đồng/kg .
Bên cạnh đó, tỉnh đã có 214 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại như cà phê, hồ tiêu, mắc-ca, sachi, măng le rừng, thịt bò khô… từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Các loại cây ăn trái cũng là 1 hướng phát triển mới rất triển vọng hiện nay ở tỉnh như: chanh leo, sầu riêng, chuối, nhãn, bưởi, bơ… Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và tích cực áp dụng khoa học công nghệ như công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp bón phân, chú trọng quản lý sâu bệnh hại bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học cũng như ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để giữ ổn định cho vườn cây nên năng suất tăng cao qua từng vụ.
Gia Lai hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững. Do đó, việc chủ động chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân gắn kết, xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường là yêu cầu cấp bách, tất yếu để tỉnh phát huy được thế mạnh về nông nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân cũng như kinh tế của tỉnh.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 8/2023
(Nguyễn Văn Cuông)
VHDN: Tỉnh Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất đai màu mỡ, rộng lớn với 2/3 diện tích là đất đỏ bazan, có điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây […]