Sự kiện - chuyên đề:

Gia Lai – rừng xanh mời gọi

VHDN: Nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa. Những đặc trưng riêng biệt trên vùng đất đỏ ba-zan này đã làm nên sản phẩm du lịch đặc thù,riêng biệt, hấp dẫn du khách.

Chú trọng sản phẩm du lịch đặc thù

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, trong những năm qua, Gia Lai chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử kết hợp với các công trình về kinh tế, chính trị, đền chùa, tiêu biểu như: Quảng trường Đại đoàn kết, công viên Đồng Xanh, đồi chè Biển Hồ (thành phố Pleiku), hthủy lợi Ayun Hạ, khu du lịch sinh thái Hoàng Vân (huyện Chư Sê),làng kháng chiến Stơr, thác Phú Cường, thác Hang Dơi (huyện Kbang), thuỷ điện Ia Ly, Làng Kép (huyện Chư Păh), quần thể Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê),vườn quốc gia Kon Ka KinhCùng với đó, xúc tiến hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp, phường Hoa Lư (thành phố Pleiku), làng Stơr, làng Mơ Hra, xã Tơ Tung (huyện Kbang), làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh)

Song song với xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh còn chú trọng tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Gia Lai, tạo sự lan tỏa với một số sự kiện có quy mô lớn như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018; Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ TECHDEMO năm 2019; Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3; Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku Các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì, nâng cao chất lượng và quảng bá các sự kiện văn hóa, tạo sức hút đối với khách tham quan, du lịch như: Lễ hội hoa Dã quỳ Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) năm 2017, 2018, 2019; Lkỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa và Lễ hội Cầu Huê vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch hằng năm; Lễ hội Dâu da đỏ (thị xã An Khê); Lễ cầu mưa của Yang Pơ Tao Apui (huyện Phú Thiện); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô (huyện Ia Grai); Ngày hội du lịch huyện Kbang; Ngày hội hoa Muồng vàng (huyện Chư Prông); Phiên chợ cửa khẩu biên giới (huyện Đức Cơ)

Để phục vụ các lễ hội trên, tỉnh Gia Lai tập trung xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Đến nay, Gia Lai có 112 cơ sở lưu trú, trong đó có 82 khách sạn đạt tiêu chuẩn, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 32 khách sạn 1 sao, 64 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách. Công ty lữ hành gồm 9 đơn vị, trong đó có 3 lữ hành quốc tế và 6 lữ hành nội địa. Hệ thống nhà hàng được đầu tư bài bản hơn, chú trọng công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn phục vụ du khách. Một số nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn đặc sản mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên như: cơm lam, gà nướng, rượu cần, phở khô, cà đắng, cá lăng…có quy mô và chất lượng phục vụ tốt, thu hút khách. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: vải thổ cẩm, hàng mây tre như gùi, các loại nhạc cụ như đàn T’rưng, tranh gỗ… có khả năng thu hút khách rất cao.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết du lịch

Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong lộ trình phát triển, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, riêng biệt, giữ được bản sắc đặc trưng của từng vùng miền, từng dân tộc bản địa, đó là mục tiêu phát triển du lịch bền vững mà tỉnh Gia Lai hướng tới, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch gắn với công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên quan điểm đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã được quan tâm đẩy mạnh. Đã bình chọn logo và slogan du lịch Gia Lai: “Gia Lai trải nghiệm và chia sẻ”;  đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịchtrên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội(facebook); thường xuyên có tin, bài, phóng sự về du lịch đăng trên Báo Gia Lai, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Lao động, Đài truyền hình Việt Nam. Việc quảng bá hình ảnh du lịch và kêu gọi đầu tư tại các hội chợ du lịch, hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, bước đầu thu hút khách du lịch đến Gia Lai và kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm khảo sát, lập dự án đầu tư như Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya, sân Golf Đak Đoa, Khu du lịch văn hóa công viên đồi thông Ia Dêr (Công ty Cổ phẩn Tập đoàn FLC), Tổ hợp dịch vụ Vinfast (Tập đoàn Vingroup), khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ya Ly (Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ du lịch Ia Ly)….

Đặc biệt, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai với các tỉnh, thành phố trong khu vực đã phát huy hiệu quả, triển khai các chương trình ký kết hợp tác với các địa phương như: Hà Nội, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lắk... Các hoạt động liên kết tập trung vào việc nối ghép tour, tạo sản phẩm chung của vùng Tây Nguyên, hỗ trợ nhau trong công tác quảng bá du lịch,tham gia gian hàng chung tại các hội chợ du lịch, tổ chức famtrip (khảo sát du lịch), liên kết website du lịch./.

 Nguyễn Văn Chiến

14:45:06 22-02-2022

VHDN: Nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa. Những đặc trưng riêng biệt trên vùng đất đỏ ba-zan này đã làm nên sản phẩm du lịch đặc […]

Đối tác của chúng tôi