Khu dân cư tự phát với hàng trăm ngôi nhà nằm tại vùng giáp ranh giữa thành phố Pleiku và huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được xây dựng hoàn toàn trên đất nông nghiệp từ năm 2009 mà chính quyền địa phương lại không hề hay biết và cũng chẳng có biện pháp nào để ngăn chặn. Việc quản lý đất đai lỏng lẻo tại đây đã gây thất thoát hàng tỉ đồng tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước.
Khu dân cư tự phát nằm tại vùng giáp ranh giữa phường Thống Nhất (TP Pleiku) và xã Ia Der (huyện Ia Grai) rộng khoảng trên dưới 10 ha được người dân ở đây gọi là “khu cánh đồng”, vì vốn xuất phát từ khu đất nông nghiệp của người đồng bào dân tộc thiểu số làng Brel (xã Ia Der). Khoảng chục năm trước, ông Phạm Văn Ngọc (trú tổ 3, phường Thống Nhất) đã thu mua lại đất này của người đồng bào dân tộc địa phương và tiến hành phân lô để bán cho các hộ dân có nhu cầu.
Ngôi nhà nằm trong khu vực dân cư tự phát nằm sát ruộng lúa của
người đồng bào dân tộc địa phương
Việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra
trong khi chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn
Từ năm 2009, khi khu đất nông nghiệp này vẫn chưa được UBND tỉnh Gia Lai quy hoạch thành khu dân cư, thì hàng trăm ngôi nhà được xây dựng trái phép đã mọc lên mà chính quyền địa phương không hề hay biết. Cuối năm 2014, khi các mái nhà đã mọc lên chi chít, thì UBND tỉnh Gia Lai mới có quyết định đưa khu vực này vào quy hoạch dân cư nông thôn mới. Để thuận lợi trong quản lý, đề án quy hoạch đã đưa một phần khu dân cư tự phát này vào địa phận làng Brel (xã Ia Der), phần còn lại được gộp vào phường Thống Nhất (TP Pleiku).
Thế nhưng, từ khi quy hoạch đến nay, chính quyền địa phương mới có duy nhất một lần kiểm tra về thực trạng đất và xây dựng nhà ở tại khu vực này vào 2 năm trước, trong khi việc mua bán đất và xây dựng nhà ở tại đây vẫn liên tục diễn ra. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở theo quy định cũng không được người dân mặn mà. Thống kê tại xã Ia Der cho biết, hiện mới chỉ có 20 trong tổng số hơn 100 ngôi nhà làm thủ tục kê khai chuyển đổi mục đíc sử dụng đất theo quy định.
Chị Lê Thị Quý Thương, một hộ dân nằm trong khu vực này cho biết: “Gia đình tôi mua đất và xây dựng nhà ở đây từ cuối năm 2012, khi đó xung quanh cũng đã có nhiều hộ khác xây dựng nhà rồi. Khu này giá rẻ nên phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Lúc mới về, tôi phải tự bỏ tiền để mua trụ nối điện, sau này mới chia lại cho các hộ khác. Bây giờ chỉ lo làm nuôi con ăn học thôi, còn việc chuyển đổi đất ở thì chưa nghĩ đến. Hộ khẩu thì cũng nhập với bố mẹ ở ngoài thành phố để thuận lợi cho con cái đi học”.
Lý giải cho việc để hàng trăm hộ dân tự phát xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp mà chính quyền không hay biết để ngăn chặn, ông Chu Sinh Mởn – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai nói: “Phòng không thể thường xuyên xuống địa bàn để kiểm tra. Trong khi chính quyền xã có thể biết mà không báo cáo kịp thời nên mới để xảy ra tình trạng như trên. Nếu chúng tôi biết và ngăn chặn ngay từ đầu thì không có chuyện người dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp như bây giờ. Đây cũng là trách nhiệm của Phòng TN&MT”.
Việc quản lý đất đai lỏng lẻo tại địa phương đã tạo điều kiện để hàng trăm hộ dân này xây dựng nhà trái phép, không thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đóng thuế đất hàng năm theo quy định, gây thất thoát hàng tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với những trường hợp đã xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng cũng không được xã Ia Der thực hiện quyết liệt, bởi theo ông Đặng Lương Minh Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Der thì: “Xã có xuống kiểm tra, nhưng một số hộ dân đã đem bìa đỏ đi thế chấp. Số khác thì không có điều kiện nên xã chỉ tuyên truyền thôi”.
Còn ông Chu Sinh Mởn thì cho biết: “Trong khu vực này, ngoài các hộ khó khăn thì một số hộ khác chây ì, cố tình không chịu chuyển đổi đất ở. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan của huyện, xã Ia Der kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý triệt vấn đề này”.
Liên quan đến sự việc này, để tìm hiểu về tiến độ thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của các hộ dân tự phát thuộc quản lý của phường Thống Nhất, phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo phường Thống Nhất trong suốt một tuần, nhưng ông Phạm Toàn Vinh – Chủ tịch phường trả lời: “Tôi mới về đảm nhận nhiệm vụ nên không nắm được tình hình. Công việc của phường rất nhiều nên phải có thời gian kiểm tra lại mới nắm được”.
Thực tế tìm hiểu của phóng viên báo TN&MT, hiện nay, một diện tích lớn đất trồng lúa cạn tại khu vực trên đang được đổ đất để san mặt bằng, chuẩn bị phân lô, bán nền. Trong khi, nhà nước đã có chính sách bảo vệ đất trồng lúa và hạn chế chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp. Thế nhưng, chính quyền địa phương tại đây vẫn không nắm được và hứa sẽ cho cán bộ đi kiểm tra lại thực trạng này khi tiếp nhận phản ánh của phóng viên.
Như vậy, trong suốt nhiều năm qua, từ khi khu dân cư tự phát hình thành ngoài quy hoạch của tỉnh cho đến khi được đưa vào quy hoạch, mà nghĩa vụ tài chính về đất đai tại khu vực này cũng không được các hộ dân thực hiện nghiêm chỉnh đã cho thấy sự buông lỏng trong quản lý đất đai tại địa phương. Thiết nghĩ, chính quyền sở tại cần phải quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đây để tránh việc tiếp tục thất thoát hàng tỉ đồng tiền sử dụng đất của nhà nước.
(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường)
Khu dân cư tự phát với hàng trăm ngôi nhà nằm tại vùng giáp ranh giữa thành phố Pleiku và huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được xây dựng hoàn toàn trên đất nông nghiệp từ năm 2009 mà chính quyền địa phương lại không hề hay biết và cũng chẳng có biện pháp nào […]