Ông Lý Ngọc Minh,Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì những đóng góp cho ngành gốm sứ Việt Nam.

“Đam mê” nhiều thập kỷ

Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng đến nay, ông Lý Ngọc Minh vẫn tự tay vuốt, nặn hình hài nhiều sản phẩm gốm ngay tại xưởng, để nhắc nhở trên dưới 3.000 nhân viên, ông vẫn là người thợ lành nghề. Có lẽ vì vậy, sứ Minh Long luôn sáng lấp lánh, là thương hiệu mà bất cứ người Việt nào cũng có thể tự hào.

Tuy nhiên, người đứng đầu Minh Long chỉ nhận mình “mê gốm sứ và nghệ thuật”. Trên những bộ chén bát hay bình sứ truyền thống, ông muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Ông Lý Ngọc Minh,Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì những đóng góp cho ngành gốm sứ Việt Nam.

Gốm sứ Minh Long do ông Minh thành lập khi mới tuổi mới đôi mươi. Hơn 50 năm qua, công ty đi theo con đường tạo ra những sản phẩm 100% làm từ sứ tinh khiết với nguồn đất sét nguyên chất, không sử dụng chất hoá học độc hại, nung ở nhiệt độ cao và không gây ô nhiễm môi trường.

Kiên trì với đam mê suốt nhiều thập kỷ, cái tên Lý Ngọc Minh bây giờ đã là biểu tượng trong ngành đồ sứ, trở thành chủ hãng gốm sứ lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng thành công không bao giờ dễ dàng, ông từng đối mặt với căn bệnh mất ngủ kèm trào ngược dạ dày, hậu quả sau những đêm dài mất ngủ vì trăn trở. Ông nhận ra sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người và quyết tâm đưa Minh Long đi theo sứ mệnh “Vì sức khỏe cộng đồng”. Từ bé như chiếc thìa, đôi đũa hay thông dụng như cái chén, cái tô… tất cả đều được gửi gắm một thông điệp: an toàn cho sức khỏe.

Giấc mộng vĩ mô – nâng cao sức khỏe người dân của vị doanh nhân được nối dài khi cho ra mắt dòng sứ dưỡng sinh vào năm 2018. Không chỉ là một cột mốc trong sự nghiệp, Minh Long còn khao khát chạm đến cái đích lớn hơn: tạo nên cuộc cách mạng trong phương pháp nấu nướng. Thế nên, sau khi ra mắt nồi sứ vào 2018, tháng 9/2020, ông Lý Ngọc Minh đích thân thực hiện một cách nấu mới với nồi dưỡng sinh mà theo ông, sẽ giúp món ăn không cần cầu kỳ bày biện vẫn đậm vị, ngon lành.

Khi được hỏi chiếc nồi vì đâu mà ra đời, người đứng đầu hãng gốm sứ Minh Long chỉ cười và bảo: “Duyên”. Cái duyên ấy, hội tụ từ rất nhiều sự ngẫu nhiên lẫn nỗ lực trong suốt gần hai thập kỷ.

Những đêm trắng mất ngủ, ông Lý Ngọc Minh nghiền ngẫm sách. Kho tàng sách của ông có hàng trăm thể loại, mà sức khỏe là một trong những chủ đề được quan tâm nhất. Thuộc làu những cuốn sách, nói chuyện cùng bác sĩ, ông quyết tâm kiên trì với lối sống lành mạnh, ăn theo phương pháp dưỡng sinh: thực đơn nhiều rau xanh, ngũ cốc, hạn chế thịt, cá, gia vị…

Nhưng nguyên liệu dù tốt đến đâu mà phương pháp nấu không phù hợp thì dưỡng chất cũng hao hụt đi, sinh ra chất độc hại. Phương pháp nấu, chủ yếu gồm nhiệt độ, thời gian và dụng cụ. Thông thường, để món ăn chín nhanh, người đầu bếp phải sử dụng lửa lớn. Nhiệt từ bên ngoài tác động làm nóng thành nồi, đáy nồi rồi thức ăn. Sự tương tác trực tiếp với đáy nồi quá nóng, thời gian quá lâu có thể khiến thức ăn bị phá hủy cấu trúc, biến màu, mất hương vị tự nhiên, dưỡng chất không còn… Ngoài ra, thức ăn luôn có sẵn axit, muối có kiềm, trong quá trình gia nhiệt dễ tương tác với nồi kim loại sinh ra các chất gây hại.

Trong quá trình nghiên cứu, ông Minh phát hiện việc tương tác giữa kim loại và thức ăn trong nhiệt độ cao sẽ sinh ra bọt, có mùi tanh hôi, làm nước đục (nước dùng không trong). Chưa kể đến việc nấu thời gian dài, thân nồi sẽ bị xâm thực bởi kim loại, kiềm và axit có sẵn trong thức ăn, tạo ra phản ứng hóa học khi gia nhiệt, làm gỉ, loang lổ hay thủng đáy nồi. Với các món nước, khi sức nóng truyền dẫn nhiệt quá lớn sẽ gây nên hiện tượng bong bóng nổi trên bề mặt. Bong bóng này nóng hơn 100 độ C, tạo thành hơi nước, nhanh chóng bốc hơi, khiến nồi nước mau cạn. Và sự quá nhiệt này sẽ làm hỏng cấu trúc thực phẩm, mất đi dưỡng chất và sinh độc.

Dùng lửa không khéo sẽ gây nên tình trạng chín không sâu, không đều. Vì thực phẩm chưa kịp chín tới bên trong nhưng nhiệt độ tăng cao đột ngột, khiến phần bên ngoài tiếp xúc với đáy nồi cháy khét hoặc quá nhiệt thay đổi cấu trúc thức ăn. Đơn cử như lúc làm chả giò, người đầu bếp thường phải xào nhân trước hoặc chiên hai lần để món ăn giòn ngoài vỏ và chín bên trong. Bởi thức ăn sẽ chín từ bên ngoài vào, nếu để chín đến bên trong thì bên ngoài sẽ cháy khét.

Hiểu được nguyên lý đó, nhưng tìm đâu ra một dụng cụ nấu nướng chín được trong ngoài cho như ý? Nếu không có sẵn, chi bằng mình bắt tay làm? Ngọn lửa về một chiếc nồi mơ ước bắt đầu âm ỷ cháy. Nghĩ về bức xạ hồng ngoại, một giải pháp khả thi khác đã lóe lên. Ý tưởng bắt đầu rõ nét hơn, mỗi lần ông Minh ngồi trong mâm cơm, hồi tưởng về ngày thơ ấu của mình, lúc còn mẹ. Vì mồ côi cha từ năm 7 tuổi, cậu bé Lý Ngọc Minh ban ngày đến trường, chiều về chăm em, làm việc nhà, tối đến lại phụ việc lò gốm sứ. Tuổi thơ với nhiều lo toan nhưng cũng đầy hạnh phúc, nhất là những ngày mưa rả rích ngoài khung cửa, mẹ bới cho bát cơm nóng, ăn cùng khúc cá kho thơm nức, rau xào, chén căng cả bụng mà vẫn thòm thèm. Bữa ăn mẹ chuẩn bị giản đơn nhưng luôn chú trọng dinh dưỡng và cân bằng, nếu ăn nhiều món cay, nóng sẽ có bình nước mát đặt cạnh. Đó là nền tảng để ông theo đuổi ẩm thực dưỡng sinh.

Thế nên ở khoảnh khắc đầu tiên, khi phác họa dáng hình của chiếc nồi sứ, mục tiêu của ông Lý Ngọc Minh chính là một chiếc nồi tạo được hương vị như món ăn tuổi thơ, nhưng làm sao để chiếc nồi an toàn với sức khỏe và bền chắc, mà không rạn men, không nổ men, không hút nước… Và chiếc nồi đó là chiếc nồi bằng gốm nấu được, chịu sốc nhiệt cao, không vỡ khi nấu.

Giấc mơ vẫn cứ bỏ ngỏ nơi đó, cho đến khi dự triển lãm nước ngoài, thấy chiếc nồi gốm chịu được sốc nhiệt 650 độ C, ông Minh mới tò mò tìm hiểu. Viện nghiên cứu nọ đưa ra mức phí 250.000 USD để được chuyển giao công nghệ, nguyên liệu lấy từ họ, doanh số bán ra phải trích lại 5-10%. Những yêu cầu trên khiến ông Minh lắc đầu vì không khả thi, nếu làm vậy thì sẽ bị lệ thuộc suốt đời nên ông đã trở về nhà với quyết tâm: phải tự làm cho bằng được.

Sau đó, chiếc nồi bằng gốm như mong muốn ra đời, chịu được sốc nhiệt 650 độ C. Nhưng để sử dụng lâu bền thì ông Minh hiểu rõ: sản phẩm bằng gốm ít nhiều sẽ thấm nước, hút nước, dẫn đến rạn men, bung men, sinh nấm mốc (là chất cực độc). Tuy nhiên, nồi bằng sứ thì độ sốc nhiệt lại kém, trên thế giới chưa có nồi sứ nào đạt độ sốc nhiệt quá 450 độ C.

Từ những trăn trở đó, câu chuyện về sứ dưỡng sinh Minh Long bắt đầu hình thành.

Hành trình làm ra chiếc nồi sứ kéo dài đến 14 năm, chỉnh sửa để ra phiên bản thứ hai mất ba năm, được ông Minh ví von như dựng một vở tuồng. Chiếc nồi sứ nhưng không được hút nước, bung men, rạn men, không sinh chất độc hại, khó bể… như một kịch bản với quá nhiều nút thắt, cao trào phức tạp. Kịch bản càng hay thì tuyển diễn viên lại càng khó, yêu cầu thành phẩm cao đòi hỏi quá trình chế tác công phu, mà vất vả nhất chính là tìm nguyên liệu.

“Vật chất vô cùng đa dạng, nói riêng cao lanh đã có hàng chục loại, rồi đất, đá, nhìn bên ngoài thì vậy đó chứ bên trong khác nhau hoàn toàn từ cấu trúc đến thành phần. Muốn lột tả khổ đau thì phải tìm diễn viên có nét bi, còn chọc cười khán giả bắt buộc bạn phải có khiếu hài hước. Cái nồi muốn cứng, chắc, chịu sốc nhiệt cao… đòi hỏi quá trình tìm kiếm đầy khổ cực. Nhưng tìm được rồi đâu phải cứ thế ráp vào xài ngay, phải xử lý, phối trộn, thử nghiệm từ ngày này sang tháng nọ, thế nên mới mất chục năm”, ông Lý Ngọc Minh kể lại.

Nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long thế hệ mới đang hướng đến thay đổi cách chuẩn bị những cơm bữa gia đình, đem đến một cuộc sống tiện lợi, khoẻ mạnh hơn trong căn bếp Việt.

Để làm được sứ dưỡng sinh Minh Long thì nguyên liệu chế tạo là một hỗn hợp khoáng rất hiếm và đặc biệt, gồm hơn 10 loại đất, đá, khoáng sản khác nhau, tạo ra một phức hợp bên trong có cấu trúc vật chất đa dạng. Mỗi nguyên liệu sở hữu những tính năng đặc biệt, có loại dẻo, kết dính cao, có loại thì chống giãn nở cực tốt hay chống co rút, cũng có thành phần cấu trúc đan xen giúp liên kết bền chặt, đồng thời làm gia tăng tia hồng ngoại… Kể ra tưởng đơn giản nhưng thực tế để đem các ưu điểm của mỗi loại thống nhất thành một thể thì lại phức tạp vô cùng. “Về khoa học thì thuật toán cấu trúc là cả một ma trận biến hóa kỳ ảo”, ông Minh nói.

Sau quá trình tập hợp và tìm được nguyên liệu quý hiếm là công đoạn phối hợp cho phù hợp tiêu chuẩn đề ra, rồi đến công đoạn tạo hình – thực hiện bởi hệ thống máy móc kỹ thuật cao, hiện đại để cho ra sản phẩm chuẩn xác, kích cỡ đồng đều, sắc sảo, đáp ứng tiêu chuẩn. Để đất hóa ngọc thì cần trải qua quá trình nung. Minh Long đã đầu tư lò nung của Đức với khả năng điều chỉnh nhiệt độ áp suất khí chính xác, nhờ đó mỗi chiếc nồi ra lò đều hoàn hảo từ kiểu dáng đến màu sắc, không bị bung men, rạn men, khó bể và sở hữu tính năng hồng ngoại độc đáo.

Bàn tay nhanh và khối óc sáng

Là chủ doanh nghiệp nhưng ông Lý Ngọc Minh cũng là người có sức sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng phi thường. Từ những năm 90, ông đã chế tác thành công một số bộ sản phẩm mỹ nghệ thể hiện nét đẹp của dân tộc. Điển hình như bộ sản phẩm thể hiện đại gia đình 54 dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam, bộ tượng thiếu nữ 3 miền Bắc – Trung – Nam… Đặc biệt, ông là người đầu tiên ứng dụng hoa văn “Chim lạc” trên trống đồng Ngọc Lũ vào các sản phẩm của Minh Long I, nhằm giới thiệu với bạn bè thế giới biểu tượng văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Với vai trò là người đi tiên phong trong thử nghiệm, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất gốm sứ, những mô hình hoạt động hiệu quả của Minh Long I đã được phổ biến, nhân rộng, góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành nghề gốm sứ Bình Dương.

Mặt khác, việc phục chế men màu đã thất truyền mà Minh Long I làm được là vô giá. Trong ngành sản xuất gốm sứ, màu sắc là yếu tố quan trọng cấu thành phần hồn của sản phẩm. Màu sắc càng đa dạng, sản phẩm càng phong phú; màu sắc càng cá biệt, sản phẩm càng độc đáo. Các loại màu như đỏ son, xanh vua, xanh cobal, men caladon… là những loại men màu khó thực hiện nhất trong nghề và đa số đã thất truyền từ lâu.

Theo các chuyên gia, trên thế giới, số công ty có thể chế tạo men – màu ấy trên sứ không nhiều, nguồn tài liệu và cả những cổ vật có các loại men – màu ấy cũng rất hiếm hoi. Thế nhưng, dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, ông Lý Ngọc Minh vẫn kiên trì nghiên cứu, tìm tòi và đã thành công trong việc phục chế các loại màu đỏ cung đình, màu xanh vũ quá thiên thanh hay men caladon. Kết quả đó đã được thể hiện thành công qua các bộ sản phẩm như: “Sơn hà – Cẩm tú”, “Quốc sắc – Thiên hương” và một số sản phẩm nghệ thuật có men caladon… giá trị cao. Đặc biệt, các loại men – màu này đều không có chì và chất cadmidium được bảo đảm dưới mức cho phép.

Va chạm và trải nghiệm nhiều trong cuộc sống lẫn thương trường, ông Minh tự đúc kết, trong kinh doanh, để thành công chỉ 1% là do mình, 99% còn lại là do may mắn. Nhưng ông Minh giãi bày, may mắn ấy “chỉ dành cho những người chịu thương, chịu khó và kiên trì với mục tiêu”. Bởi thế, cái tên Minh Long giờ đã không còn xa lạ với người Việt Nam. Sản phẩm sứ Minh Long không chỉ có mặt ở hầu hết gia đình Việt, mà còn đến được với nhiều nước trên thế giới.

Ông Lý Ngọc Minh đã có những đóng góp lớn đối với sự phát triển, khôi phục ngành gốm sứ, cũng như tạo ra “cú huých” cho ngành sản xuất gốm sứ truyền thống ở Bình Dương và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trong từng sản phẩm gốm sứ. Công ty TNHH Minh Long I do ông làm chủ được thành lập năm 1970, đến nay đã phát triển thành công ty chuyên ngành sản xuất gốm sứ cao cấp, với tổng vốn đầu tư trên 40 triệu USD.

Sau gần 10 năm nghiên cứu, ông Lý Ngọc Minh – Anh hùng lao động, đã làm được điều tưởng chừng không thể. Đó là sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1.380 oC, đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp đốt một lần lửa.

Ông Minh tâm sự, có thời điểm giá gas tăng giá hàng ngày, từ 500 đến 1.000, 1.500 USD/tấn, giá nhân công cũng tăng nhiều lần, làm ngành gốm sứ nói chung gặp không ít khó khăn, riêng với Minh Long 1 thì khó khăn gấp bội, do sản suất theo tiêu chuẩn chất lượng của Đức nung ở nhiệt độ 1.380OC, tiêu thụ năng lượng gấp đôi so với sản phẩm sứ của các nước khác nung ở nhiệt độ 1.320OC. Đồng thời, phải nung nhiều lần qua nhiều công đoạn quy trình nung hai lần, dẫn tới chi phí sản xuất cao.

Để tìm lối thoát, có không ít ý kiến cho rằng, phải thay đổi công nghệ, hạ thấp tiêu chuẩn sản phẩm, nhưng ông Minh không chấp nhận, theo ông điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mất thương hiệu và thị trường, yếu tố dẫn đến phá sản… Sau nhiều giải pháp đổi mới quản lý, kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào… được thực thi nhưng hầu như không xoay chuyển tình thế, “chúng tôi đi đến quyết định tập trung trí lực vào tìm cách giảm việc tiêu thụ năng lượng trong sản xuất. Coi đó là giải pháp duy nhất có thể giúp công ty thoát khỏi bế tắc, nên tôi đã bàn bạc với một số cán bộ kỹ thuật thay đổi quy trình công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà vẫn đạt được chất lượng châu Âu (Đức). Đó là điều mà chưa quốc gia nào trên thế giới làm nên, cũng chẳng thể học hỏi được kinh nghiệm của ai” – ông Minh chia sẻ.

Việc đưa công nghệ đốt một lần lửa vào sản xuất đã mang lại hiệu quả trông thấy. Ông Minh cho biết, ở bộ phận sản xuất đồ sứ chén đĩa có 1.500 người lao động, làm theo công nghệ cũ chỉ đạt 50 – 60.000 sản phẩm/ngày, thì nay với công nghệ mới đã sản xuất được gấp đôi (100 – 120.000 sản phẩm/ngày) cùng số nhân công như nhau, và thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 1/5 so với trước, nghĩa là từ 15 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm như độ trắng, mỏng, cứng, bóng… đều bằng hoặc hơn so với khi nung hai lần. “Vì đã nghiên cứu thành công đột phá công nghệ, góp phần đưa vị thế kỹ thuật ngành gốm sứ Việt Nam lên hàng đầu thế giới, và ngày nay chúng ta có thể ngẩng cao đầu khẳng định: Riêng lĩnh vực đồ sứ theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, sản xuất theo công nghệ hiện đại, chúng ta không thua kém bất cứ cường quốc nào trên thế giới”- ông Lý Ngọc minh bày tỏ niềm tự hào.

Theo enternews