Sự kiện - chuyên đề:

Giải pháp nào để khống chế ô nhiễm rác thải nhựa ?

VHDN:Hiện nay, rác thải nhựa đang là mối đe doạ đối với môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái, chất lượng nước, cũng như sinh kế của người dân. Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương, với tầm nhìn đến năm 2030.

Mỗi người tiêu thụ 41,3kg nhựa mỗi năm

PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, Viện KH&CN Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa cho biết, đến năm 2019, thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa trong đó 6,3 tỷ tấn hiện là rác thải. Đặc biệt, 79% trong 6,3 tỷ tấn đó giờ đang nằm trong các bãi rác và môi trường tự nhiên. Hiện Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/người/ năm (1990) lên 41,3kg/năm/ người vào năm 2018. Trong khi nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn. Trong khi đó, tỷ lệ nhựa tái chế chỉ đạt 27%. Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000- 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%.

Theo kết quả khảo sát ở 1 khu dân cư ở Đà Nẵng (114 hộ) cho thấy, trung bình mỗi hộ thải ra môi trường: chai nhựa: 14 cái/ tháng/hộ; vỏ bao gói: 66 cái/hộ/ tháng; lon bia: 33 cái/hộ/tháng; giấy bìa: 5,6kg/ tháng/hộ. Đặc biệt, rác túi nilon 119 cái/ tháng/hộ, tính ra khoảng 50kg/ khu dân cư khảo sát 114 hộ.

Theo PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, ước tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm được 3,8 thùng dầu thô, nếu tỷ lệ tái chế đạt 75% sẽ tương đương với việc giảm được lượng khí thải của 55 triệu ô tô đi lại trên đường. Hiện, cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất nhựa, 90% không chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng 15-20% chủ yếu là nhựa tái sinh, còn hạt nhựa nguyên sinh phải nhập khẩu hoàn toàn. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế ở Việt Nam chỉ đạt 27%, do công nghệ tái chế nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực tế, tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (Văn Lâm- Hưng Yên) có 725 hộ sản xuất tái chế nhựa, với 6.400 lao động. Hàng ngày sản xuất tái chế khoảng 600-650 tấn chất thải nhựa, (tối đa 1000 tấn/ngày, hầu hết phế liệu có nguồn gốc từ nước ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện, phát sinh 60-65 tấn chất thải rắn/ ngày, không thu gom xử lý, 7.000m3 / ngày nước thải chưa xử lý xả thải ra nguồn nước tiếp nhận.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Đánh giá về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các khu du lịch biển- đảo Việt Nam, TS. Dư Văn Toán và ThS. Nguyễn Thuỳ Vân (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) cho rằng, khu vực biển-đảo thu hút khoảng 60% lượng du khách quốc tế; 50 % khách nội địa và đóng góp khoảng 60% tổng thu từ du lịch của cả nước. Tuy nhiên, tình trạng quá tải tại các khu, điểm du lịch biển-đảo đã làm gia tăng chất thải từ các hoạt động du lịch đặc biệt là chất thải rắn mà trong đó chất thải nhựa chiếm tới 60%. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom rất thải rắn chỉ đạt khoảng 60-70%, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn. Tại Quảng Ninh, Phú Quốc hay Cát Bà rác thải phát sinh mỗi ngày rất lớn, nhưng chỉ thu gom được rất ít. Hiện, tại Vũng Tàu các bãi tắm ven biển thành phố đã phải đón nhận hàng trăm tấn từ đại dương đã theo thuỷ triều trôi dạt vào. Tình trạng này đã gây ô nhiễm môi trường và mất đi vẻ đẹp cảnh quan tại các bãi tắm. Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân huỷ hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.

Để giải quyết bài toán này đã có nhiều nghiên cứu và giải pháp về vật liệu thay thế được đưa ra. Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa cho rằng, để công tác quản lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng các tỉnh, thành phố rất cần có bộ số liệu về rác thải một cách chính xác. Bên cạnh đó, nếu áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả phí trong quản lý rác thải thì số liệu phát thải là điều kiện tiên quyết để xác định nguồn gốc, chủng loại, số lượng rác thải. Đặc biệt, nghiên cứu xử lý chất thải nhựa phải bỏ, tự phân huỷ và tận dụng nhiệt.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã kêu gọi các cấp, các ngành và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải, tiêu thụ nhựa, túi nilon sử dụng 1 lần. Đồng thời, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe con người; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng…

Ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, để hạn chế được rác thải nhựa thì cần quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Tạo sự đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa…

Lưu Hiệp

 

16:21:03 08-11-2019

VHDN:Hiện nay, rác thải nhựa đang là mối đe doạ đối với môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái, chất lượng nước, cũng như sinh kế của người dân. Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý chất […]

Đối tác của chúng tôi