Theo báo cáo của UBND thị xã Cửa Lò, trong năm 2020, mặc dù gặp khó khăn về dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến Cửa Lò vẫn bằng 56,9% so với năm 2019; doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 1.759 tỷ đồng.
Dù đạt được nhiều kết quả trong quá trình khai thác du lịch, Cửa Lò vẫn tiếp tục cần có nhiều giải pháp để thức dậy các tiềm năng vốn có. Xin đề xuất một số giải pháp để Cửa Lò tiếp tục có những bước phát triển mới như sau:
Khai thác du lịch Cửa Lò từ trước đến nay chủ yếu tập trung vào mùa hè (tháng 4- tháng 9 hàng năm) với hoạt động chính là nghỉ dưỡng (tắm biển) và thưởng thức hải sản vào sáng sớm, chiều tối. Những tháng còn lại gần như vắng khách. Chính điều này làm cho hoạt động du lịch có phần tẻ nhạt, kéo theo thời gian lưu trú của khách không lâu. Để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Cửa Lò nên hướng đến các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch khám phá và trải nghiệm. Ở phương diện này, chúng ta thấy Cửa Lò có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện mô hình kết hợp đó.
Không phải ngẫu nhiên, từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chú trọng xây dựng các biệt thự nghỉ dưỡng tại Cửa Lò. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi này cảnh quan đẹp với bờ biển thoải, bãi cát trắng, mịn, nước biển trong… Ngoài cảnh quan tự nhiên, Cửa Lò sở hữu bề dày văn hóa với nhiều di tích văn hóa mang kiến trúc độc đáo (chùa Song Ngư, chùa Lô Sơn, đền Vạn Lộc,…); Lễ hội dân gian phong phú (lễ hội cầu ngư); nhiều làng nghề truyền thống (nghề chế biến nước mắm Hải Giang; nghề làm bánh bún ở phường Nghi Thu…). Tất cả các yếu tố đó sẽ là điểm vô cùng thuận lợi để Cửa Lò khai thác du lịch bằng các hoạt động tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tập quán và trải nghiệm cuộc sống ngư dân.
Quan sát văn hóa cư trú của ngư dân Cửa Lò, nhận thấy: Nhiều gia đình ngư nghiệp vẫn còn giữ các nếp nhà mang đặc trưng truyền thống của dân biển: nhà cấp 4, thấp, các nhà sát nhau… Nếu kiểu kiến trúc nhà ở này được giữ lại, cải tạo phù hợp, quy hoạch theo cụm dân cư sẽ là một giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng, hướng vào đối tượng du khách thích khám phá trải nghiệm cuộc sông sinh hoạt của dân miền biển.
Một hoạt động khám phá biển mà gần như rất nhiều du khách hào hứng khi đến Cửa Lò là câu mực đêm trên biển bằng thuyền thúng. Tuy nhiên, hoạt động này do ngư dân chủ yếu tự phát thực hiện. Để đảm bảo tính an toàn cho khách và để đây trở thành hoạt động trải nghiệm thú vị, Cửa Lò nên đưa vào quản lý và tổ chức, khai thác hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn, từ việc đầu tư trang thiết bị đến đào tạo lớp ngư dân hành nghề… Những hoạt động ấy kết hợp với việc tổ chức hoạt động nghệ thuật giao lưu ví giặm trên thuyền, trên biển, có lẽ sẽ là điểm lôi cuốn du khách khi về với biển Cửa Lò.
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, trong một số tài liệu lịch sử để lại, Vua Bảo Đại đã mang giống hoa cúc biển trồng trên các lối đi, viền các thảm cỏ ở bãi biển Cửa Lò. Nói như vậy để thấy rằng yếu tố thẩm mỹ trong tạo không gian nghỉ dưỡng đã được quan tâm từ trước. Đó là chi tiết quan trọng mà người làm du lịch Cửa Lò không nên bỏ qua. Bởi ngày nay, ngoài nhu cầu nghỉ dưỡng, khách du lịch còn có nhu cầu check-in, review mọi nơi, mọi lúc. Mặc dù hệ thống khách sạn, nhà nghỉ ở Cửa Lò được đầu tư khá nhiều, không gian biển đẹp…, nhưng chưa chú trọng tính thẩm mỹ. Nếu chúng ta chú trọng tạo không gian thẩm mỹ ở mặt tiền tại các cơ sở lưu trú hay không gian công cộng trước biển thì sẽ là yếu tố góp phần tạo nên sự hấp dẫn của khu du lịch Cửa Lò.
Tất cả các hoạt động nên bắt đầu từ việc nghiên cứu nghiêm túc mô hình thử nghiệm song song với kết nối các hoạt động du lịch trong một chỉnh thể để thực hiện khai thác tiềm năng có hiệu quả cao nhất. Đã có nhiều kế hoạch được Cửa Lò đưa ra cho mùa du lịch mới, như: tiến hành thực hiện quy hoạch lại các phân khu của 7 phường xã, tiến tới xóa bỏ toàn bộ các ki-ốt ăn uống sát biển, xây dựng các khu dạo bộ, công viên, thảm cỏ… Đó là những tín hiệu vui để chúng ta có cơ sở kỳ vọng về một Cửa Lò cất cánh trong tương lai gần nhất.
Quỳnh Phương
VHDN: Ngày 5/6/1907, thừa ủy toàn quyền Đông Dương – Leverque đã ký một quyết định quan trọng cho phép sử dụng vùng đất Cửa Lò làm khu nghỉ mát (Công báo Đông Dương thuộc Pháp năm 1907). Quyết định đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người Pháp đến việc khai thác […]