“Chúng ta cần nêu ra được một số việc cụ thể, chỉ ra được, điểm tên được, để hết năm học tới tổng kết lại xem dạy đạo đức lối sống, dạy làm người có chuyển biến không?”. – Đó là một trong những phát biểu chủ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông ngày 26/7 vừa qua.

Vấn đề đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên được toàn xã hội quan tâm.

Vậy là thêm một lần nữa vấn đề đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên lại được đưa ra luận bàn sau những thăng trầm, nhức nhối của ngành giáo dục phần nào làm phai nhạt niềm tin của dư luận trong thời gian qua.

Thực tế, học sinh chưa ngoan trong nhà trường thời nào cũng có. Và như một câu cửa miệng, thói quen, người ta thường hay đổ lỗi cho giáo dục, nhà trường. Nhất là trong bối cảnh việc dạy đạo đức đang được lồng ghép trong các môn học, nhất là các môn xã hội trong khi phải coi đây là nền tảng của mọi môn học chứ không phải “cài theo”.

Liên quan đến vấn đề này, cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) ví von rất hay khi cho rằng ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dạy người, nhưng chưa được các trường thực hiện thường xuyên và coi trọng mà “chỉ như cơn mưa rào, ào lên một lúc”.

“Việc dạy người phải bắt đầu từ mỗi thầy cô, phải mẫu mực trong từng giờ lên lớp, từng lời ăn tiếng nói, có ý thức tự học, sáng tạo để có những bài giảng hay, hấp dẫn. Chúng ta sẽ không thể có học trò đạo đức tốt nếu mỗi thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hàng ngày” – cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ.

Cá nhân người viết đồng tình với ý kiến của cô Nguyễn Thị Nhiếp ở chỗ, thầy cô không chỉ vững về kiến thức, phương pháp còn phải là tấm gương sáng về đạo đức. Không những thế mà các bậc phụ huynh cũng phải đồng quan điểm với nhà trường trong việc giáo dục các em, lãnh đạo cũng phải làm gương. Nếu mọi người lớn không làm gương thì sự bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức dù bao nhiêu “trang vàng sách ngọc” đi nữa cũng không đủ cho học sinh.

Ngành giáo dục trong thời gian qua được nhiều người ví như một “hoạt động nghệ thuật”, từ khâu quản lý đến thực hành sư phạm và chất lượng giáo dục ở mọi cấp học. Trong đó, vấn đề vi phạm dân chủ trong trường học, xuống cấp đạo đức, lối sống xảy ra ở mọi khía cạnh, mọi ngõ ngách của ngành giáo dục, đã tới lúc cần rung hồi chuông cảnh báo.

Chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế; mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ.

Việc phân bố nội dung, thời lượng môn giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung môn giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở hình thức.

Dưới góc độ khoa học giáo dục, ai cũng đều hiểu rằng sự hình thành nhân cách con người là kết quả tổng hòa các mối quan hệ xã hội, ở đó có tác động của gia đình, của xã hội và của nhà trường. Nhà trường là nhân tố chủ đạo trong quá trình giáo dục nhưng chúng ta không thể loại trừ các tác nhân quan trọng khác là gia đình và xã hội.

Vì thế, khách quan mà nói, khi thầy cô truyền thụ kiến thức, các em có tiếp thụ được kiến thức hay không, có trở thành người tốt hay không, còn tùy thuộc vào môi trường gia đình và xã hội. Cho nên, sẽ là phiếm diện khi nhận định vì môn môn đạo đức chỉ là môn phụ, ít giờ học, dạy không đạt chất lượng, không thi tốt nghiệp, dẫn đến chuyện sa sút đạo đức của học sinh.

Mới đây ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục phát biểu rất hay rằng: “Điểm mấu chốt của nền giáo dục là phải xây dựng được một môi trường học tập hạnh phúc, ở đó công nghệ hỗ trợ người học, nuôi dưỡng tình yêu thương và thúc đẩy động lực học tập suốt đời”.

Phát biểu này rất hay, rất đúng, nhưng vấn đề là phải làm sao đừng để “những con người nhân văn” mãi nằm trên trang giấy. Dư luận mong được thấy những lời nói của ông được hiện thực hóa.

Muốn vậy, mỗi trường học nó giống như một “tế bào” của ngành giáo dục. “Tế bào” có khỏe mạnh thì “cơ thể” toàn ngành giáo dục mới khỏe mạnh. Theo đó, cần coi trọng đổi mới công tác quản lý ở cấp cơ sở, trước hết là nâng cao năng lực quản lý và phẩm chất đạo đức của những người thầy để làm gương cho học trò.

Đồng thời, hoạt động giáo dục cần phải gắn liền chặt chẽ với cả ba môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội. Nên khi một học sinh “lệch chuẩn” thì tất yếu cả “kiềng ba chân” phải xem xét, nhìn nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm cho mình, không nên đổ lỗi cho nhau.

Theo Enternews