Anh sinh ra và lớn lên trên quê hương Phù Cát, Bình Định. Năm 22 tuổi, anh cưới vợ, sinh con và làm nông nghiệp ở Phù Cát. Nhưng đây là vùng quê nắng nóng, lại hay bão lũ, nên cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1995 toàn bộ gia đình đã khăn gói lên Chư Prông, Gia Lai lập nghiệp. Nhận thấy đây là vùng đất màu mỡ, phù hợp cho cây cà phê phát triển, nên gia đình anh đã mua hơn một ha đất trồng cà phê. Với sự chịu thương, chịu khó, tiết kiệm, cộng với học hỏi kỹ thuật trồng và chăm bón cà phê, đến năm 2018 gia đình anh đã có tổng cộng hơn 4ha trồng cà phê. Vườn cà phê của anh rất tốt và cho năng suất rất cao, mỗi ha cà phê cho kết quả hơn 4 tấn nhân.
Cây cà phê nếu trồng trên 20 năm cũng sẽ già cỗi, hay sâu bệnh, năng suất và chất lượng sẽ giảm. Là người nông dân ham học hỏi, không chịu lùi bước trước khó khan, anh Đào đã nghiên cứu tìm ra kỹ thuật ghép cây cà phê bằng chồi. Cây cà phê ghép bằng chồi sẽ giảm chi phí đầu tư nhiều. Năm thứ 2 cây cà phê ghép đã cho thu hoạch quả bói. Năm thứ 3 vườn cà phê ghép 4ha nhà anh đã cho thu hoạch gần 20 tấn cà phê nhân; năm thứ 4 thu hoạch được 25 tấn cà phê nhân, theo giá thị trường thời điểm đó anh đã thu về tương đương 1 tỷ 250 triệu. Do chủ yếu sử dụng phân hữu cơ tự ủ bằng vỏ chấu, vỏ cà phê, phân bò, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng rất ít phân vô cơ, nên tiền chi phí cho mỗi ha cà phê là 50 triệu một năm. Năm ngoái anh mua thêm 2ha cà phê để cho ghép chồi và ngày 30/06 vừa qua anh lại bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để mua thêm hơn 1ha cà phê ghép của người cùng thôn.
Anh Thái Sơn (tên thường gọi Tám Huynh) người cùng xóm cho biết: Anh Đào là người rất có kỹ thuật ghép chồi cây cà phê, anh không chỉ “trẻ hóa vườn cà phê” nhà mình, mà còn thường xuyên đến các vườn cà phê của bà con trong xóm, thôn Sông Đà để hướng dẫn kỹ thuật, được bà con tin yêu và kính trọng.
Anh Đào cho biết, vừa qua anh Phạm Thành Phước, Giám đốc lâm trường ở huyện Chư Păh, Gia Lai thường xuyên đến tham quan, tìm hiểu về vườn cà phê ghép chồi nhà anh, đã nhờ anh Đào ghép thử nghiệm cho vườn cà phê hơn 1ha của mình ở Yaly. Cũng nhờ đó mà anh đã tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong thôn Sông Đà có kỹ thuật do chính anh đào tạo, có tháng thu nhập 12 triệu/người. Hiện anh đã liên hệ với Công ty Đầu tư Minh Hân – đơn vị chuyên sản xuất phân bón hữu cơ để tiến hành chăm sóc 7ha cà phê của mình theo mô hình cà phê sạch, chỉ dùng phân bón hữu cơ, đồng thời không thu hái cà phê xanh, loại bỏ cà phê khô, khi đưa ra phơi thì phơi trên lưới hoặc phơi trên giàn, độ ẩm phải đạt được yêu cầu.
Điều anh Đào trăn trở và mong muốn là chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành có thẩm quyền xuống thôn, xóm tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng cà phê, hỗ trợ, giúp đỡ những thủ tục cần thiết cho những vườn cà phê đạt chuẩn theo mô hình cà phê sạch, chất lượng để được cấp chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Chỉ như vậy, cà phê Việt Nam mới lan tỏa ra thị trường thế giới và đem lại lợi ích kinh tế cao cho bà con nông dân.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2023
(Lê Trọng Sáng)
VHDN: Hơn 20 năm gắn bó với cây cà phê, anh Giáp Anh Đào (thôn Sông Đà, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là người hiểu được quy luật của cây cà phê, khi già cỗi cũng sẽ bị yếu, bị bệnh tật, năng suất không cao. Vì vậy, anh đã nghiên […]