Với tuổi đời gần 70 năm tuổi, nhưng Giày Thượng Đình đang trở nên yếu ớt trước thương trường, kinh doanh ngày càng đi xuống và không đủ khả năng cạnh tranh trước các đối thủ mạnh về tiềm lực tài chính lẫn khả năng nhạy bén kinh doanh.

“Trái đắng” sau cổ phần hóa

Hai năm liên tiếp trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty CP Giày Thượng Đình gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận đều ở mức âm.

Doanh thu bán hàng năm 2018 đạt 174 tỉ đồng, giảm so với năm 2017 là 197 tỉ đồng. Năm 2017 doanh thu âm 17 tỉ đồng, năm 2018 ở mức âm 16 tỉ đồng. Có lẽ, doanh thu âm liên tiếp đã trở thành “tử huyệt” của thương hiệu này, nếu không có sự thay đổi kịp thời.

Sản phẩm giày Thượng Đình đã kém sức cạnh tranh đáng kể so với hàng Trung Quốc và các sản phẩm nội địa khác

Sản phẩm giày Thượng Đình đã kém sức cạnh tranh đáng kể so với hàng Trung Quốc và các sản phẩm nội địa khác

Theo số liệu kinh doanh năm 2018, doanh thu Giầy Thượng Đình đạt 174 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với năm trước. Điều này khiến lợi nhuận gộp giảm tới 40%, xuống chỉ còn 16,3 tỷ đồng.

Khoản lợi nhuận này không đủ để trang trải cho các khoản chi phí, mà lớn nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp, lên tới gần 28 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế công ty đã là 17 tỷ đồng, nợ khó đòi xấp xỉ 12 tỷ đồng, trong khi lỗ tại nhà máy tại Hà Nam trước năm 2014 cũng đã xấp xỉ 3,6 tỷ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính và phát sinh lãi ngân hàng.

Ngoài ra, theo số liệu từ ban giám đốc, riêng danh mục chi phí của công ty đã tăng liên tục từ năm 2015 đến nay. Trong đó, khấu hao tài sản đã tăng gần 3 lần (từ 2,5 tỷ lên 7,2 tỷ); tiền thuê đất tăng từ 4,1 tỷ lên 6,8 tỷ đồng…

Ban lãnh đạo công ty cho rằng nếu tiếp tục kinh doanh như hiện nay, với các chi phí như trên thì rất khó có thể có lãi, nguy cơ lỗ cao. Năm 2019 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn Thượng Đình ở cả trong và ngoài nước.

Cũng theo lý giải của Giầy Thượng Đình, trong năm qua, do thay đổi xu hướng tiêu dùng giầy dép, chuyển từ dòng giầy vải lưu hóa sang dòng giầy thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của công ty giảm mạnh.

Bên cạnh đó, giá sản phẩm còn cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giầy ở Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay, Giầy Thượng Đình cho biết, các chi phí thực tế chung công ty cũng chỉ tính toán một phần vào giá thành, vì nếu đưa hết vào thì giá quá cao, không thể chào hàng được.

Thực tế sau khi cổ phần hóa, chi phí khấu hao của công ty tăng đột biến, tiền thuê đất cũng tăng và quá cao đối với công ty sản xuất giầy đơn thuần cùng ngành.

Trong năm 2018, Giầy Thượng Đình sản xuất được 1,53 triệu đôi giày, đạt 87% kế hoạch và giảm 20% so với năm trước. Sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 1,62 triệu đôi, giảm 13% so với 2017.

Cơ hội nào cho một “huyền thoại”?

Giày Thượng Đình là một trong những thương hiệu Việt lâu đời nhất tại Việt Nam, tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập vào tháng 1/1957. Trước khi chuyển đổi sang hình thức CTCP, công ty là một doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty TNHH MTV Giầy Thượng Đình chuyên sản xuất giày, dép vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tính đến nay, Thượng Đình đã có 62 năm hoạt động và cung cấp các sản phẩm giày cho thị trường Việt. Giày Thượng Đình cũng từng rất thành công trong việc xuất khẩu. Năm 2016, khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Thượng Đình được định giá lên tới 44.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 2 năm liền thua lỗ (2017-2018), giá cổ phiếu Giày Thượng Đình giảm liên tục hiện chỉ còn 4.300 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản.

Năm 2019, Ban lãnh đạo doanh nghiệp xác định, đơn hàng xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn với nhiều yêu cầu khắt khe nhưng nhà máy Thượng Đình đã cũ, cải tạo khó, máy móc thiết bị cũng đã cũ, công nghệ lạc hậu nên khó lòng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Cùng với nhiều thách thức khác, Giày Thượng Đình chỉ đặt mục tiêu doanh thu 175 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ 50 triệu đồng.

Đồng thời, trong năm 2019, ban lãnh đạo công ty CP Giày Thượng Đình cũng đề cập tới kế hoạch di dời nhà máy tại khu đất “vàng” số 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, công ty đang xin UBND thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt. Liệu rằng đây có thực sự trở thành điểm “thoái trào” của đơn vị này?

Ông Đặng Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc Gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Trong quá trình cạnh tranh trên thị trường, sẽ có một số doanh nghiệp bị đào thải và một số phát triển lên. Việc có bị thị trường đào thải hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, điều này thể hiện ở nhiều yếu tố. Đơn cử như giày Thượng Đình, có lẽ vấn đề không chỉ nằm ở chất lượng mà còn ở việc doanh nghiệp có kịp thời nắm bắt được xu hướng của thị trường cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.”

Phải chăng, đã đến lúc giày Thượng Đình thực sự cần có một “cuộc cải cách” toàn diện, với những bước thay đổi để bắt nhịp với thị trường và những xu hướng tiêu dùng mới, làm sao để đi qua “phía bên kia con dốc”, thương hiệu giày Thượng Đình sẽ tìm thấy một “con đường sáng”?!

Theo enternews