Điều chỉnh giá điện phải tính đến lạm phát
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn cho biết, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (Ảnh: Huy Quang). |
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Các bộ, ngành tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Trả lời câu hỏi về phương án điều chỉnh giá điện, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tới lạm phát, đời sống người dân. Với khoản lỗ của EVN năm 2022, ông Hải cho biết, tập đoàn này lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng, để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn rà soát, đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.
Tiêu cực có hệ thống trong hoạt động đăng kiểm
Trả lời câu hỏi về tiến độ điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đã khởi tố 41 bị can, phong tỏa kê biên 80 tỷ đồng, còn với vụ án Việt Á, đã khởi tố 104 bị can, phong tỏa, kê biên 1.700 tỷ đồng. “Tháng trước, tôi nói Bộ Công an phấn đấu kết thúc điều tra trong quý I/2023. Tuy nhiên, án tại hồ sơ nên về cơ bản mục tiêu đề ra như thế, nhưng không loại trừ khả năng có thêm tình tiết mới”, ông Xô nói.
Ông Xô cho biết, công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can, với tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác và sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. “Đây là vụ án tham nhũng có hệ thống, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới đến lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội”, ông Xô nói.
Qua điều tra cho thấy một vài lãnh đạo phòng kiểm định, Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, quý của một số trung tâm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, và bỏ qua lỗi vi phạm trong kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt cấp mã đăng kiểm; thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định… “Từ khi khởi tố vụ án đến nay, cơ quan công an chưa hề ra quyết định nào, văn bản tố tụng nào về dừng, tạm dừng, đình chỉ hoạt động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Quá trình tố tụng hoàn toàn đúng luật, chỉ thu giữ tài liệu, vật chứng liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của đối tượng”, ông Xô nói.
Theo TPO