Chủ đầu tư “om” quỹ, chây ì không chịu trả lại khoản 2% quỹ bảo trì đã thu khi bán căn hộ là nguyên nhân chủ yếu khiến các cuộc tranh chấp, xung đột tại các dự án chung cư ngày càng trở nên bế tắc. Bởi thế, đề xuất bỏ quy định nộp phí bảo trì trực tiếp cho chủ đầu tư của Bộ Xây dựng đang được nhận định là khả quan để gỡ “nút thắt” này.
Ảnh minh họa
Công bằng mà nói, quy định người thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định tại Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014 là giải pháp đúng đắn, giúp chung cư được duy trì, bảo dưỡng, vận hành trơn tru, bảo đảm an toàn cho người dân liên quan. Bởi cứ soi chiếu các chung cư xây trước năm 2005 sẽ thấy, vì không có quỹ bảo trì nên giờ muốn thay đổi, sửa chữa thiết bị cũng rất khó vì không có kinh phí thực hiện mà đợi thu được một khoản tiền của cư dân trong diện để bảo trì thì hẳn là “má đã sưng”.
Thế nhưng, không phải cứ chính sách đúng sẽ mang lại hiệu quả cao vì còn phụ thuộc vào khâu thực hiện. Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở của chính sách lách luật, tự ý sử dụng khoản tiền quỹ bảo trì theo mục đích riêng, không trao trả hoặc không trả đủ cho Ban quản trị nhà chung cư, khiến các cuộc tranh chấp giữa hai bên ngày càng leo thang, khó có hồi kết. Do đó, đề xuất “bỏ quy định nộp 2% phí bảo trì trực tiếp cho chủ đầu tư” của Bộ Xây dựng, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đang nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng và giới chuyên gia.
Theo dự thảo, chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định. Người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng. Nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua, thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.
Thực ra, về bản chất của các giao dịch dân sự khi mua bán hàng hóa vẫn có quy định để người bán hàng có trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng cho người mua hàng. Luật Nhà ở cũng thể hiện rất rõ, phản ánh đúng bản chất của hợp đồng mua bán nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trích lập nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng nhà ở. Vấn đề đặt ra ở đây là việc thu, quản lý quỹ đó thế nào cho hiệu quả, chủ đầu tư vẫn phải đồng hành, có trách nhiệm lâu dài với công trình mà mình đã bán cho người dân, tránh tranh chấp kéo dài, gây hoang mang dư luận như đã và đang xảy ra ở một số dự án trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Vì thế, các đề xuất về quản lý, thu quỹ bảo trì chung cư, dù được ủng hộ cũng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi, chiếm dụng quỹ. Bởi thực tế, có chủ đầu tư chấp hành nghiêm việc bàn giao quỹ bảo trì theo đúng quy định, song trong Ban quản trị lại xảy ra tình trạng trục lợi quỹ, khiến cho cư dân bức xúc, họ lại đi kiện người do chính mình bỏ phiếu tín nhiệm bầu.
Theo KTĐT