Sự kiện - chuyên đề:

Góc nhìn Văn hóa Doanh nghiệp qua vụ việc KhaiSilk

VHDN: Thời gian qua, dư luận “dậy sóng” về vụ việc Công ty KhảiSilk bán sản phẩm của Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Việt Nam”. Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Trần Trọng Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh về vấn đề này.

Vụ việc Khải Silk bán hàng hóa Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác “Sản xuất tại Việt Nam” vừa qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, ông suy nghĩ như thế nào về vụ việc này?

Phó Chủ tịch Trần Trọng Toàn: Trước hết, tôi rất lấy làm tiếc vì thương hiệu KhảiSilk đã tồn tại nhiều năm qua, được người Việt Nam tin tưởng, ủng hộ thông qua việc mua sản phẩm của KhảiSilk để tiêu dùng, làm quà, tặng phẩm cho đối tác, bạn bè và khách quốc tế cũng như được khách du lịch nước ngoài mua như một sản phẩm chính hiệu Việt Nam. Thương hiệu và lòng tin của người tiêu dùng là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng việc làm của KhảiSilk đang hủy hoại thương hiệu của chính mình cũng như lòng tin của khách hàng và người tiêu dùng, không biết đến khi nào mới có thể khôi phục được.

Ngay sau khi việc buôn bán gian lận bị vỡ lở, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nói: “Vụ việc KhảiSilk có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh”. Đúng vậy, KhảiSilk đã vi phạm quy định của pháp luật về xuất xứ  hàng hóa và nhãn mác sản phẩm, cố tình gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng. Vi phạm về đạo đức kinh doanh cũng rất nghiêm trọng, đặc biệt là về tính trung thực của doanh nghiệp, sự tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng và lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.

Ngoài ra, KhảiSilk còn vi phạm chủ trương chính sách và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thể hiện ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, trong khi Đảng và Nhà nước đang ra sức kêu gọi lòng yêu nước của người dân trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì lòng yêu nước của bao người dân đã bị đánh lừa khi họ vô tình tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ngoại nhập chứ không phải là hàng hóa Việt Nam.

Thứ hai, đây chính là việc doanh nghiệp trong nước tiếp tay cho sự thâm nhập ồ ạt của những hàng hóa “ngoại lai” giá rẻ, làm tổn hại cho ngành nghề sản xuất ở trong nước. Thật đau lòng khi biết rằng hàng nghìn ha trồng dâu, hàng trăm hộ nông dân nuôi tằm, dệt lụa ở Quảng Nam và nhiều nơi khác đã không cạnh tranh nổi với hàng hóa ngoại nhập nên đã thua lỗ, buộc phải từ bỏ nghề truyền thống cả nghìn năm mà ông cha để lại, không còn trồng dâu nuôi tằm, đập bỏ khung cửi, tháo dỡ máy dệt bán sắt vụn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia”. Các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp chính là nhân tố quyết định thắng lợi trong cạnh tranh. Tuy nhiên, những vụ việc bị phát hiện vừa qua như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (kể cả thực phẩm, dược phẩm), gây ô nhiễm môi trường… cho thấy văn hóa doanh nghiệp dường như chưa được hiểu thấu đáo nên nhiều doanh nghiệp thường chỉ chú trọng hình ảnh bề ngoài mà chưa thực sự dựa trên những yếu tố cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Xin ông cho biết ý kiến về điểm này?

Phó Chủ tịch Trần Trọng Toàn: Trong thực trạng ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa mạnh, làm ăn chân chính, trung thực và họ đã thành công, tạo được thương hiệu tốt và uy tín đối với khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp chưa xây dựng và thực thi được văn hóa doanh nghiệp tốt. Một số doanh nghiệp do tâm lý trục lợi, chụp giật, biết là vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh nhưng vì muốn thu được lợi nhuận cao nên họ vẫn làm. Một số doanh nghiệp khác thì do chưa thực sự nhận thức thấu đáo nên chỉ chú trọng xây dựng hình ảnh bề ngoài như khẩu hiệu, trang phục, chào hỏi, hoạt động văn nghệ, thể thao… Tuy đó cũng là những điều cần thiết nhưng còn những yếu tố cơ bản, cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp thì lại chưa chú trọng hoặc chưa nhận thức được đầy đủ như tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh (trong đó có cái tâm và chữ tín), trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh. Do vậy, trong Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và trong phát biểu phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến những yếu tố quan trọng đó.

Cũng xuất phát từ thực trạng này, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực cùng cộng đồng doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, địa phương, triển khai mạnh và sâu rộng công tác thông tin, đào tạo, tập huấn, tư vấn cho các doanh nghiệp quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, vì đây là yếu tố quyết định để doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập quốc tế có hiệu quả.

Sự trung thực, đạo đức kinh doanh được quy định như thế nào trong Bộ tiêu chí Văn hóa doanh nghiệp do Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam vừa công bố tại Diễn đàn Văn hóa doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh ngày 15/10/2017? Với những sai phạm về văn hóa doanh nghiệp, Hiệp hội sẽ lên tiếng hoặc có động thái như thế nào?

Phó Chủ tịch Trần Trọng Toàn: Trong Bộ tiêu chí Văn hóa doanh nghiệp, phần về đạo đức kinh doanh có quy định rõ như sau:

– “Tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, giữ chữ tín đối với khách hàng và người tiêu dùng”.

– “Không có hành vi gian lận trong kinh doanh dưới mọi hình thức”.

Với những sai phạm về văn hóa doanh nghiệp, Hiệp hội không có chức năng, quyền hạn chế tài, xử phạt – chức năng này thuộc cơ quan pháp luật của Nhà nước và bộ ngành chủ quản. Với tư cách là Hiệp hội được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì triển khai Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội sẽ tiến hành những công việc như sau:

– Thông tin về kết luận chính thức của cơ quan chức năng về các sai phạm trên các phương tiện thông tin của Hiệp hội, như: Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Trang thông tin điện tử của Hiệp hội để cộng đồng doanh nghiệp biết và phòng tránh các sai phạm.

– Không đưa những doanh nghiệp có sai phạm vào danh sách xem xét lựa chọn để tôn vinh “Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu” hằng năm.

– Trong quá trình đào tạo, tập huấn, tư vấn về văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội với đầu mối là Viện Văn hóa Kinh doanh sẽ lấy những trường hợp sai phạm về văn hóa doanh nghiệp làm bài học kinh nghiệm phổ biến cho các doanh nghiệp để tránh lặp lại những sai phạm như vậy trong tương lai.

– Đối với những doanh nghiệp vô tình vi phạm những tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp do thiếu hiểu biết, nhận thức sai hay chưa đầy đủ thì Hiệp hội sẽ tìm cách tiếp cận để phổ biến, đào tạo, tập huấn và tư vấn nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng và thực tốt văn hóa doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp đó và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước.

PV

15:56:31 06-11-2017

VHDN: Thời gian qua, dư luận “dậy sóng” về vụ việc Công ty KhảiSilk bán sản phẩm của Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Việt Nam”. Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Trần Trọng Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội […]

Đối tác của chúng tôi