Sự kiện - chuyên đề:

Gửi về các cơ quan chức năng huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

VHDN: Vừa qua VHDN Việt Nam liên tiếp nhận được đơn kêu cứu của một số công dân xã Hợp Tiến và Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Nội dung đơn đề nghị công luận vào cuộc hỗ trợ ngăn chặn tình trạng một số nhóm người đưa thiết bị, máy móc thâm nhập khu vực rừng trồng của gia đình, hủy hoại tài sản, đe doạ đến tính mạng gia đình. Những nhóm người này đào hầm khai thác khoáng sản vàng trái phép diễn ra thời gian dài vừa qua nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền nơi đây chưa có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm?

 

NHỮNG LÁ ĐƠN KHÔNG “THẤU”?

Chị Mông Thị Xuân hiện cư trú tại xóm Cầu Đã, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Từ năm 2023 chị Xuân cùng anh, chị, em trong gia đình mình mua của một số hộ dân nơi đây hơn 30 hecta đất tại xã Hợp Tiến để trồng rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây bạch đàn và keo lá tràm và cây tre phấn).

Vào khoảng đầu năm 2023, xuất hiện nhiều tốp người lén lút đến khu vực này hoạt động với mục đích khai thác vàng trái phép. Cuối năm 2023 những tốp người này không còn lén lút hoạt động nữa mà đã ngang nhiên đưa thiết bị, máy móc, nguyên liệu, hóa chất, chặt phá cây cối, đào một số căn hầm, tổ chức khai thác khoáng sản cả ngày lẫn đêm. Hóa chất độc hại dùng cho khai thác vàng thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hang khai thác vàng trái phép tại đất rừng của gia đình bà Mông Thị Xuân.

Chị Mông Thị Xuân được anh chị em trong gia đình giao trông coi khu rừng trồng phát hiện sự việc đã trực tiếp báo cáo với công an và chính quyền xã Hợp Tiến nhiều lần nhưng không được kịp thời ngăn chặn. Điển hình như vụ Trần Văn Huy, người xã Tân Lợi dùng xe ô tô chở máy móc thiết bị, hóa chất, chặt phá hàng trăm cây keo và bạch đàn, đào hàng trăm mét hầm sâu hàng chục mét để khai thác vàng trên phần đất của gia đình chị Xuân quản lý. Để bảo vệ tài sản gia đình mình chị Xuân đã nhiều lần trực tiếp phản ánh và gửi đơn đến công an, chính quyền xã Hợp Tiến nhưng không được giải quyết kịp thời và triệt để. Mặc dù sự việc có lập biên bản, nhưng cách giải quyết không thỏa đáng, chỉ cho 2 bên gặp nhau hòa giải bồi thường số cây bị chặt phá mà không giải quyết việc khai thác khoáng sản trái phép, không buộc Trần Văn Huy hoàn trả lại mặt bằng do đào hầm khai thác vàng trái phép gây ra?

Với cách giải quyết này nên sau đó vài ngày sự việc đâu lại vào đó. Đất trồng rừng của gia đình chị Xuân vẫn bị đào bới vận chuyển đi nơi khác nghiền đãi lấy vàng. Chị Xuân vẫn kiên trì nhiều lần đến công an và chính quyền xã Hợp Tiến phản ánh sự việc. Nhưng có lần phản ánh vừa rời trụ sở công an xã về đến nhà thì chị Xuân đã bị một nhóm người đến tận nơi đe doạ yêu cầu chị: Không được bén mảng đến nơi họ khai thác vàng, nếu còn tiếp tục tố cáo hành vi khai thác vàng của họ thì tính mạng của chị Xuân và con cháu chị Xuân sẽ không được an toàn (chị Xuân đã ghi lại được clip này để gửi cho các cơ quan chức năng giải quyết).

Quá bức xúc với giọng điệu côn đồ xã hội đen của nhóm người này và để cho an toàn tính mạng của mình và gia đình, chị Xuân lại tiếp tục có đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp đến chính quyền xã Hợp Tiến, Công an huyện Đồng Hỷ và Công an tỉnh Thái Nguyên cũng như các cơ quan thông tin đại chúng.

GIẢI QUYẾT CÓ KHÁCH QUAN VÀ ĐÚNG PHÁP LUẬT?

Hàng chục lá đơn tố giác tội phạm khai thác khoáng sản trái phép của bà Xuân và gia đình đã được gửi đến các cấp có thẩm quyền từ xã đến huyện và các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên từ đầu năm 2023. Nhưng đến giữa năm 2024 các cơ quan chức năng của huyện Đồng Hỷ mới vào cuộc xử lý?

 

Chúng tôi xin được tóm lược văn bản trả lời đơn bà Mông Thị Xuân của Công an huyện Đồng Hỷ, số 871 ngày 26/6/2024 như sau:

– Không xác định được đối tượng đào hàng trăm mét đường hầm khai thác vàng nên không xác định được đối tượng khai thác vàng hủy hoại môi trường như trong đơn bà Xuân tố cáo.

– Quá trình phối hợp kiểm tra chỉ xác định được 03 đối tượng thuộc xã Tân Lợi có “biểu hiện” khai thác vàng trái phép nên đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ xử phạt hành chính 3 đối tượng này 60 triệu đồng.

– Văn bản xác định bà Xuân không bị Phạm Thanh Tuyền đến nhà đe doạ tính mạng của bà Xuân và gia đình nếu vẫn tiếp tục đi tố cáo.

– Văn bản còn “thanh minh” cho công an và chính quyền xã Hợp Tiến có nội dung bà Xuân tố cáo: Không giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, không chuyển tin tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền là không có căn cứ.

– Văn bản xác định Trần Văn Huy chỉ có “ý định” khai thác vàng ở khu đất này nên chặt phá cây cối của gia đình bà Xuân chỉ là tranh chấp “dân sự”. Nên chủ yếu nội dung văn bản đề cập nhiều đến việc xác định nguồn gốc đất đai? (thống nhất việc hòa giải bồi thường thiệt hại về cây cối bị chặt phá)?

Không chấp nhận cách giải quyết đơn thiếu khách quan, bao che vi phạm, không đúng với nội dung tố cáo và trái pháp luật như văn bản số 871 ngày 26/6/2024 của Công an huyện Đồng Hỷ nên ngay sau khi nhận được văn bản này, bà Mông Thị Xuân đã cùng với gia đình tiếp tục có đơn kêu cứu đến Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực của tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng khác của tỉnh, đồng thời gửi đơn đến các cơ quan công luận đề nghị vào cuộc giúp đỡ.

 

PV

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 12/2024)

10:42:21 06-12-2024

VHDN: Vừa qua VHDN Việt Nam liên tiếp nhận được đơn kêu cứu của một số công dân xã Hợp Tiến và Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Nội dung đơn đề nghị công luận vào cuộc hỗ trợ ngăn chặn tình trạng một số nhóm người đưa thiết bị, máy móc thâm […]

Đối tác của chúng tôi