Sự kiện - chuyên đề:

Hải Dương phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

VHDN: Đó là mục tiêu được nêu trong tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đáng chú ý là giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,3%, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 16,9%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 224,4 triệu USD, bằng 87,1% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm ước đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; quả vải thiều và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt, được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử và xuất khẩu.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050”, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào dự thảo để từng bước hoàn thiện Quy hoạch, làm cơ sở pháp lý, khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo hiện thực hoá khát vọng phát triển của tỉnh trong 30 năm tới. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu mang tính đột phá để thực hiện quy hoạch này. Quán triệt quan điểm phát triển xuyên suốt của tỉnh là: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương” dựa vào 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp đa giá trị; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 183 triệu đồng. Ngoài ra, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương xác định tầm nhìn chiến lược tới năm 2050 là phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, văn minh, phát triển bền  vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Phấn đấu đến năm 2050, Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm công nghiệp, đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng; là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đọc tờ trình về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có tờ trình cụ thể. Theo đó, Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đọc tờ trình về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo chương trình này, đến năm 2025, tỉnh Hải Dương hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ; khoáng sản được chế biến phục vụ phần lớn cho nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh mà không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đến năm 2030, hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn thiện, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ, bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm; thăm dò, khai thác, chế biến đối với hầu hết các khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII.

Cũng tại hội nghị lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương quyết định lựa chọn phương án tăng trưởng của tỉnh là tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình (giai đoạn 2021-2030) đạt khoảng 12,5%; năm 2030, tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ sẽ đạt tương ứng là 4,8% – 63,9% – 31,3%.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, sau 2 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã hoàn thành các nội dung, chương trình và bế mạc.

Ái Liên

 

 

20:32:42 10-07-2022

VHDN: Đó là mục tiêu được nêu trong tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII. Tỉnh Hải […]

Đối tác của chúng tôi