Sự kiện - chuyên đề:

Hải Dương: Vẫn chuyện động trời ở Nam Sách

VHDN: Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh những chuyện động trời chỉ có ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Xuất phát từ một “Tranh chấp kinh doanh thương mại” trong Hợp đồng các bên đã lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là Toà án, nhưng cơ quan Công an huyện Nam Sách đã “ôm” để giải quyết, mà trong đó có những hành vi có dấu hiệu “dàn dựng” để đẩy doanh nhân vào tù.

Ngày 21-5-2021 thụ lý, nhưng ngày 12-5-2021 đã đột kích doanh nghiệp.

Hợp đồng kinh doanh thương mại đã lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp

Công ty TNHH Thuận Thịnh (Công ty Thuận Thịnh) và Phạm Thị Bảng (Ly) có ký 02 Hợp đồng thuê kho tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo Hợp đồng này, Công ty Thuận Thịnh cho Phạm Thị Bảng thuê toàn bộ kho theo dạng “chìa khoá trao tay”. Bên thuê kho (Bảng) tự quản lý, vận hành và toàn quyền quyết định về mọi vấn đề hàng hoá trong kho, đồng thời 10 ngày 01 lần phải trả tiền điện, tiền nước cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó Điều khoản chung 02 Hợp đồng này cũng thoả thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp nếu phát sinh tranh chấp là Toà án tại tỉnh Hải Dương. Như vậy, ngay từ khi đặt bút ký 02 Hợp đồng này các bên đã lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp nếu phát sinh tranh chấp, thiệt hại… trong quá trình thực hiện Hợp đồng.

Công an huyện Nam Sách vi phạm tố tụng

Mặc dù là “Tranh chấp Hợp đồng kinh doanh thương mại” nhưng khi không thanh toán tiền thuê kho, tiền điện, nước… Phạm Thị Bảng (Ly) đã không lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp (nếu có) bằng cách đã lựa chọn mà lại viết đơn “tố ngược” Công ty Thuận Thịnh ra Công an huyện Nam Sách. Lẽ ra khi tiếp nhận đơn, cơ quan Công an phân loại và hướng dẫn đương sự khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp (Theo điều 8, điều 9 Thông tư liên lịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC- BNN&PTNT-VKSNDTC) nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách ngày 21/5/2021 đã thụ lý phân công giải quyết Đơn ngày 22/4/2021 của Phạm Thị Bảng (Theo công văn số 332/CQĐT ngày 24/5/2021 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách gửi cho Công ty Thuận Thịnh). Mặc dù chưa được thụ lý phân công giải quyết, nhưng ngày 12/5/2021 hàng chục nguời nhân danh Cơ quan điều tra đi cùng đối tượng Phạm Thị Bảng và 02 người tự xưng là Thừa phát lại xông vào Công ty Thuận Thịnh kiểm tra kho hàng, yêu cầu làm việc… Những người này không hề xuất trình bất cứ lệnh, kế hoạch, công văn, giới thiệu gì khi đến Công ty, thậm chí ngồi trên xe vào thẳng Công ty không khai báo y tế tại chốt bảo vệ. Không những thế họ còn thông báo cho VKSND huyện Nam Sách đến phối hợp vì “Có việc bắt giữ người trái pháp luật”. “Nhận được tin báo từ CQĐT khi tôi đến công ty, sau khi xem xét nắm tình hình không phải như công an nói, tôi nói rõ quan điểm và đi về”- lời ông Trần Đình Nghị, Phó Viện trưởng VKSND huyện Nam Sách.

Lập Vi bằng giả bị tước quyền sử dụng thẻ Thừa phát lại

Với sự tích cực vào cuộc của một số cán bộ Công an huyện Nam Sách để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, Phạm Thị Bảng còn thuê Thừa phát lại lập các Vi bằng làm chứng cứ rất chặt chẽ, tinh vi để khẳng định Công ty TNHH Thuận Thịnh “ngăn cản không cho vào Công ty”… Từ đó biến Công ty Thuận Thịnh đang không có lỗi thành có lỗi, mà có lỗi thì đương nhiên phải bồi thường và thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sự gian dối này đã bị Công ty Thuận Thịnh phát hiện và khiếu nại. Thừa phát lại Vương Thị Hồng Huệ đã phải thừa nhận sai phạm ngày 19/4/2021 khi lập Vi bằng số 62/2021/VB-TPLHD thì Thừa phát lại đã không có mặt tại Công ty TNHH Thuận Thịnh. Mặc dù không có mặt, không chứng kiến bất cứ sự vệc nào tại Công ty Thuận Thịnh nhưng Thừa phát lại vẫn “ghi nhận các tình tiết không có thật” cung cấp cho cơ quan điều tra và Phạm Thị Bảng làm chứng cứ để “hành” nhân viên Công ty Thuận Thịnh sau này. Cho nên, ngày 29/6/2021 Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 106/QĐ-XPVPHC xử phạt Thừa phát lại Vương Thị Hồng Huệ-Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hải Dương với hình thức: Tước quyền sử dụng thẻ Thừa phát lại 10,5 tháng.

Có sự “giúp đỡ” của cán bộ công an

Bà Nguyễn Như Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thịnh, chia sẻ: “Là người ngay tình, thông qua sự giới thiệu của ông Đỗ Khánh Toàn, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương, tôi mới giúp đỡ và tạo điều kiện cho bà Bảng thuê kho, bà Bảng thuê 02 kho tôi cho bà sử dụng cả 05 kho và dãy nhà điều hành… Nhưng Bảng không trả tiền lại còn “tố ngược” tôi và Công ty TNHH Thuận Thịnh. Theo dư luận Bảng được “chống lưng” của một số cán bộ công an, bên cạnh đó có sự tham gia của ông Đỗ Khánh Toàn, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương. Ông Toàn đã ký vào sổ nhận hàng của Công ty TNHH Thuận Thịnh bên cạnh chữ ký của Bảng. Trong Công văn ngày 21/6/2021 của Công an huyện Nam Sách trả lời Đơn tố cáo của tôi: “Ngày 19/4/2021, ông Toàn cùng với bà Bảng, sinh năm 1986 trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cùng một số người đến Công ty TNHH Thuận Thịnh ở thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách để ghi nhận toàn bộ hiện trạng nông sản của bà Bảng chứa trong kho lạnh đã thuê của Công ty TNHH Thuận Thịnh. Trong quá trình làm việc, ông Toàn cùng mọi người không có hành vi gây rối, làm náo loạn, gây mất an ninh trật tự tại Công ty Thuận Thịnh”. Nhưng ngày 19/4/2021 ông Đỗ Khánh Toàn và bà Phạm Thị Bảng có mặt tại Công ty Thuận Thịnh cùng Thừa phát lại lập Vi bằng số 62/2021. Nhưng Vi bằng đã bị dàn dựng, làm giả thì ai thuê Thừa phát lại lập Vi bằng giả để Thừa phát lại Vương Thị Hồng Huệ phải đánh đổi cả sự nghiệp của mình, cần thiết phải được làm rõ.

VKSND huyện Nam Sách kịp thời ra quyết định hủy bỏ hành vi sai phạm của Điều tra viên Trần Danh Phong.

Không những thế, Bà Bình còn cung cấp Quyết định số 01/ QĐ-VKS ngày 06/7/2021 của VKSND huyện Nam Sách về việc giải quyết khiếu nại của bà, khiếu nại Quyết định số 02 ngày 17/6/2021 của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách. Trong đó tại “Điều 1: Sửa một phần Quyết định giải quyết khiếu nại đối với hành vi của Điều tra viên lập biên bản ghi lời khai ngày 02/6/2021 của bà Nguyễn Như Bình có nội dung không đúng như bà Bình trình bày”. “Điều 2: Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách kiểm điểm trách nhiệm đối với Điều tra viên theo quy định”. Bởi trước đó ngày 02/6/2021 khi làm việc với Điều tra viên Trần Danh Phong về đơn tố giác của đối tượng Bảng, Điều tra viên Phong đã tự ý ghi vào biên bản “những câu chết người” mà bà Bình không trả lời những câu mà Điều tra viên Phong tự ý ghi vào làm thay đổi 100% sự thật có thể biến “Tranh chấp kinh doanh thương mại thành một vụ án hình sự”.

Đi ngược lại quyết tâm của Bộ Công an?

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ đạo trong Hội nghị giao ban để đánh giá tình hình kết quả công tác công an tháng 5 năm 2021, “siết chặt kỷ luật, kỷ cương, lễ tiết, tác phong; xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sỹ sai phạm trong quá trình công tác”.

Với hàng loạt vi phạm, sai phạm trong cùng một vụ việc Phạm Thị Bảng “tố ngược” Công ty TNHH Thuận Thịnh, dư luận cho rằng có sự “chống lưng” dàn dựng, vu khống của một số cán bộ công an, Thừa phát lại làm giả chứng cứ để đẩy doanh nhân Nguyễn Như Bình vào vòng lao lý. Cho nên, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xử lý nghiêm những sai phạm này theo quy định của Đảng, theo quy định của pháp luật và của ngành Công an. Như vậy, mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nhân, pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng như cả nước.

Với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có phản hồi từ cơ quan có thẩm quyền.

Nhóm PV

16:10:24 08-07-2021

VHDN: Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh những chuyện động trời chỉ có ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Xuất phát từ một “Tranh chấp kinh doanh thương mại” trong Hợp đồng các bên đã lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là Toà án, nhưng cơ quan Công an […]

Đối tác của chúng tôi