6 tháng mới giải ngân hơn 2100 tỷ đồng

Theo UBND Thành phố Hải Phòng, tính đến ngày 20/6/2019, UBND TP Hải Phòng mới giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng trong tổng số  hơn 9.000 tỷ đồng đề ra theo kế hoạch, đạt 23,9%. Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm thấp hơn năm 2018 và thấp hơn bình quân chung cả nước.

Dự án

Dự án nút giao thông Nam Cầu Bính thi công 10 tháng vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng

Theo ông Tùng, việc giải ngân chậm do mỗi dự án có nguyên nhân khác nhau song chủ yếu do việc sắp xếp và tổ chức lại các Ban quản lý dự án và công tác GPMB một số dự án trọng điểm quá chậm, dẫn đến chậm xác định giá đất. Cùng với đó, tiến độ GPMB tại một số địa phương quá chậm. Đơn cử như huyện Thủy Nguyên dù được tập trung 1/3 kế hoạch vốn cho các dự án trọng điểm song tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt hơn 6,5%.

Trong số những dự án Hải Phòng đang thực hiện, có nhiều dự án giá trị nghìn tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, như dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm (tổng mức đầu tư 9.899 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác), dự án nút giao thông Nam Cầu Bính (đầu tư 1500 tỷ đồng nhưng thi công 10 tháng vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng), đường máng nước huyện Thủy Nguyên, chương trình xây dựng Nông thôn mới…

Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP khẳng định, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công thuộc trách nhiệm trực tiếp của UBND TP. Do đó, quá trình triển khai các dự án, nhất là công tác GPMB tại các địa phương cần được thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thậm chí phải kiểm điểm, xử lý nếu tiếp tục xảy ra chậm trễ.

Để đẩy nhanh tiến độ, Hải Phòng yêu cầu chủ đầu tư các dự án tập trung hoàn thiện trình tự thủ tục đẩy nhanh tiến độ GPMB, chậm nhất đến ngày 30-7-2019. Trường hợp nếu dự án nào quá chậm, UBND TP sẽ trình HĐND TP điều chỉnh vốn đầu tư sang dự án khác.

Tiến độ cải tạo chung cư cũ “rùa bò”

Liên quan đến vấn đề xây dựng mới và cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố theo hình BT chậm tiến độ, đặc biệt việc thực hiện cam kết của thành phố theo hợp đồng BT với các chủ đầu tư chậm trễ, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng lý giải do việc dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán theo chỉ đạo của Bộ Tài chính (các thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư bị chậm mất 9 tháng).

Hiện nay, Hải Phòng có 205 chung cư cũ được xây dựng từ những năm 50-60 thế kỷ trước, tập trung trên địa bàn các quận: Ngô Quyền, Kiến An, Lê Chân, Đồ Sơn. Hơn 8.000 hộ gia đình đang sinh sống trong những khu nhà xuống cấp trầm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Thành phố đề ra kế hoạch đến năm 2020 sẽ triển khai phá dỡ 178 chung cư xuống cấp và tổ chức di chuyển hơn 7.000 hộ dân để xây lại 18 tòa nhà chung cư mới cao từ 5-29 tầng; 27 chung cư được giữ lại để cải tạo, nâng cấp. Nhưng thực tế, từ 2016 đến nay mới có 7/18 tòa nhà thực hiện xong thủ tục xây dựng, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 chung cư, đang triển khai thi công xây dựng 4 chung cư.

Khu tập thể Lô 8, tổ 3 phường An Dương đã quá cũ nát

Khu tập thể Lô 8, tổ 3 phường An Dương đã quá cũ nát. Ảnh ND

Đối với xây dựng mới và cải tạo các chung cư cũ theo hình thức BT, ông Lê Văn Thành cho biết, trong quá trình triển khai còn có ý kiến cản trở, “bàn lùi”, khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà, các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vẫn phải sinh sống trong chung cư xuống cấp, nguy hiểm. “Đây là trách nhiệm của chính quyền thành phố. Do đó, việc triển khai thực hiện cần có quan điểm thống nhất, phải kiên quyết xử lý cán bộ công chức có biểu hiện gây khó khăn, không để xảy ra tham nhũng, vi phạm…”,ông Thành nhấn mạnh.

Theo Enternews