Sự kiện - chuyên đề:

Hàng trăm nhà đầu tư tại FLC Hạ Long đang vô cùng bức xúc

VHDN: Hơn 2 tháng qua, hàng trăm nhà đầu tư (NĐT) theo hình thức codotel vô cùng bức xúc trước việc Tập đoàn FLC chậm trả tiền thuê (còn gọi là lợi nhuận) 6 tháng đầu năm 2019 tại Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC Hạ Long.

Nhân viên Đoàn Thành Việt thường được cử tiếp các nhà đầu tư, trả lời quanh co, khiến khách hàng bất bình.

Khu quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long (FLC Grand Halong Bay) là dạng khách sạn 5 sao, mỗi căn có diện tích từ 44 m2 trở lên, trong một ngày có thể đáp ứng 1.300 khách du lịch. Dự án có diện tích 157 ha, đầu tư 10.000 tỉ đồng (chủ yếu do các NĐT góp vốn) khởi công ngày 20/3/2016, đưa vào sử dụng từ cuối 2018. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên trang Website FLC quảng cáo NĐT được chia lợi nhuận lên tới 85% kể từ năm thứ 9: được hưởng 15 ngày nghỉ dưỡng free tại chuỗi khách sạn, resort đẳng cấp của Tập đoàn FLC trên toàn quốc; thời hạn tính lãi thu nhập sau 6 tháng kể từ thời điểm bàn giao hoặc sau khi nộp 95% (vốn đầu tư), trả 6 tháng 1 lần vào ngày cuối cùng kì hạn,v.v…Tổ hợp khách sạn 5 sao là một tòa 21 tầng với hơn 600 căn, thu hút các NĐT góp vốn trong các năm 2016-2018, hầu hết đã bàn giao, kí hợp đồng cho FLC thuê lại để kinh doanh khách sạn (cam kết lợi nhuận 12%/năm).

Do quảng cáo hấp dẫn, FLC Hạ Long nhanh chóng thu hút hàng trăm NĐT, toàn bộ các căn góp vốn được FLC đã đưa vào sử dụng, khách du lịch ồ ạt vào nghỉ dưỡng từ cuối năm 2018, giá thuê phòng vào loại đắt nhất ở Hạ Long.

Theo các hợp đồng thuê và quản lí tài sản giữa các NĐT thì bên A (bên cho thuê) và Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển FLC Hạ Long là bên B (bên thuê) quy định khá chặt chẽ. Tại Điều 4 thời hạn thanh toán ràng buộc như sau:

“Giá thuê được bên B tạm ứng cho bên A (theo năm dương lịch) 02 (hai) kì trong 01 (một) năm vào tháng 06 (sáu) và tháng 12 (mười hai)…chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng 06 (sáu) và tháng 12 (mười hai) bên B phải hoàn thành việc tạm ứng Giá Thuê.”. Tại Điều 10 Hợp đồng quy định: Nếu quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày cuối cùng của thời hạn phải thanh toán (30/6 và 31/12) bất kì đợt thanh toán nào theo quy định của hợp đồng này mà bên B không thanh toán hoặc chậm thanh toán sẽ bị tính lãi suất quá hạn bằng 150% … lãi suất tiền gửi tiết kiệm trả lãi sau kì hạn 06 (sáu) tháng của Ngân hàng BIDV.

Tiếc rằng, đã qua hơn 2 tháng (kể từ ngày 30/6/2019) FLC không trả tiền đúng theo hợp đồng đã kí với hàng trăm NĐT mà cũng không một lời chia sẻ, ít ra là xin lỗi và cam kết sẽ trả vào khi nào của kì thanh toán. Vì lẽ đó, hàng trăm NĐT bức xúc, hoang mang, nhất là nghe tin đồn FLC đầu tư tràn lan hàng trăm dự án “khủng”, đang thua lỗ, có khả năng vỡ nợ,v.v…

Từ những ngày đầu tháng 7 đến nay, từng tốp các NĐT kéo nhau lên trụ sở FLC ở đường Phạm Hùng và 265 Cầu Giấy (Hà Nội) và xuống Hạ Long gặp chủ đầu tư đòi thanh toán, hàng nghìn cuộc điện thoại, tin nhắn tới công ty, tới kế toán nhưng vô vọng. Ở khu vực Hà Nội, ngày 12/8 có cuộc gặp mặt nhiều NĐT tại Cung văn hóa Hữu Nghị, họ lập ra Ban đại diện lâm thời để “đấu tranh” với FLC. Hầu như ngày nào cũng có những NĐT đến trụ sở thúc giục nhưng lãnh đạo FLC không tiếp, chỉ có nhân viên trả lời chung chung, hời hợt. Các NĐT cứ phải chầu chực cả buổi, nhân viên FLC thiếu văn hoá đến mức không lo được ngụm nước cho khách hàng…

Công ty CP Tập đoàn FLC thành lập tháng 01 năm 2010, tiền thân là công ty luật do ông Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1974) đứng đầu. Từ chỗ chỉ có 10 người (năm 2000) nay có hơn 10.000 cán bộ, nhân viên. Chưa đầy 10 năm, FLC ồ ạt đầu tư 238 dự án, chủ yếu kinh doanh bất động sản và hiện đang phát triển đến “chóng mặt” sang các lĩnh vực hàng không, nông nghiệp, giáo dục và y tế. Trong những năm qua, FLC được các cơ quan chức năng trao tặng, vinh danh nhiều danh hiệu sáng giá, khẳng định thương hiệu và sự trỗi dậy “phi thường”, là “tốp 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam”,v.v… Có thể kể các dự án lớn như: FLC Vĩnh Tường, Khu công nghiệp (KCN)

Tam Dương II; KCN Hòn La II; Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Sầm Sơn; FLC Comlex 36 Phạm Hùng, FLC Comlex Thanh Hóa; FLC Star Tower Hà Đông; Khu quần thể sân golf-resotr-biệt thự nghỉ dưỡng giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn; FLC Tower 265 Cầu Giấy (trụ sở chính Bamboo Airwways); Khu trung tâm Hội nghị – Du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự FLC Quảng Bình (cũng áp dụng hình thức codotel); Khu đô thị Hà Khánh – Hạ Long,v.v…đất sử dụng nhiều nơi hàng trăm, hàng nghìn ha, vốn đầu tư cũng hàng nghìn, chục nghìn tỉ đồng… Doanh thu năm 2018 FLC đạt 12.016 tỉ đồng (lợi nhuận trước thuế 677 tỉ đồng, sau thuế 470 tỉ đồng); năm 2019 dự kiến doanh thu 20.000 tỉ đồng (chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế là 720 tỉ/570 tỉ đồng).

Gần đây, FLC mở rộng quy mô và tăng tốc đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác: Hãng hàng không quốc tế Bamboo Airways bước đầu đã có 10 máy bay thế hệ mới, đang tham vọng mở tuyến bay thẳng sang Mỹ và tới đây sẽ có 30 tàu bay với tổng số vốn lên tới hơn 57.000 tỉ đồng; đang đầu tư xây dựng khu phức hợp dịch vụ hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng, công nghiệp và công nghệ cao ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) với 3.069 ha đất; riêng khu dịch vụ phụ trợ hàng không 70 ha. Ngày 25/8/2019, FLC khởi công xây dựng trường Đại học FLC Quảng Ninh (50 ha) trên 700 ha đất dự án ở Hạ Long, đầu tư 4.000 tỉ đồng để tạo khu Du lịch-Hàng không-Công nghệ cao. Tại lễ khởi công FLC công bố dự kiến năm 2020 có 6.100 sinh viên, năm 2024 có 20.000 sinh viên. FLC cũng xây dựng Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways tại Bình Định; liên doanh với Lotte làm dự án 6,4 ha tại Đại Mỗ (Hà Nội), chuẩn bị khởi công Bệnh viện Đa khoa quốc tế ở Thái Bình,.v.v…

Trong 2 năm 2018-2019, số dự án FLC triển khai gấp 10 lần so với 7-8 năm trước đó nên FLC cần rất nhiều vốn, rất khát vốn, trong khi trên sàn chứng khoán giá cổ phiếu FLC tụt thê thảm (4.320đ/10.000 đ /CP). Ông Chủ tịch Tập đoàn than thở: “Giá cổ phiếu FLC hiện không phản ánh giá trị Công ty”. Tại hội nghị cổ đông năm 2019 ông công bố không chia lợi tức để dồn vốn đầu tư các dự án, cũng là để tiết kiệm chi phí do vay ngân hàng. Còn đối với Hãng hàng không Bomboo Airways hoạt động mấy tháng đầu đã lỗ hơn 300 tỉ đồng “lỗ là do phải nuôi đội quân chuẩn bị cho đội hình 30 máy bay hoạt động trong thời gian tới” (theo ông Trịnh Văn Quyết).

Có lẽ vì thế mà FLC cạn kiệt tài chính đến mức không thể trả tiền thuê của hàng trăm NĐT tại FLC Hạ Long. Trong khi họ góp vốn cho dự án 100% nộp cho FLC đúng tiến độ, có những người mua 2-3căn, rất nhiều người phải vay ngân hàng. Họ rủ nhau đầu tư, nào ngờ “trồng cây đến ngày hái quả” lại bị FLC chiếm dụng một cách vô lối.

Được biết, trong một số dự án tại Sầm Sơn, Quy Nhơn, Hạ Long,v.v…qua thanh tra FLC đều có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về đầu tư xây dựng, về thi công, về đánh giá tác động môi trường,v.v…có nguyên nhân của bệnh chủ quan, đầu tư tràn lan, phát triển “nóng” để đến nỗi cạn kiệt không có tiền trả lợi nhuận cho các NĐT tại FLC Hạ Long cũng như không chia cổ tức cho cổ đông được. Còn FLC Quảng Bình cũng áp dụng hình thức codotel như thế, liệu có tạo sức hấp dẫn các NĐT tại dự án này?.

Bài học “Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh đang nhãn tiền. Ông Trịnh Văn Quyết hãy lấy đó làm bài học cho mình rút kinh nghiệm vẫn chưa muộn!…

Bài và ảnh KIM PHÚ HÀ

Chia sẻ
14:21:13 10-09-2019

VHDN: Hơn 2 tháng qua, hàng trăm nhà đầu tư (NĐT) theo hình thức codotel vô cùng bức xúc trước việc Tập đoàn FLC chậm trả tiền thuê (còn gọi là lợi nhuận) 6 tháng đầu năm 2019 tại Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC Hạ Long. Khu quần thể nghỉ dưỡng FLC […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi