Vụ việc diễn biến như sau: Năm 1993 do nhu cầu mở con đường liên thôn, liên xã, Thường vụ Đảng ủy và Thường trực UBND xã Hồng Tiến đã có buổi làm việc với ông Ngô Mạnh Tư và con trai là Ngô Đức Trân thông báo là: – chính quyền muốn mở con đường đi qua thổ cư của gia đình ông Tư, bà Thục, nếu được gia đình đồng ý, đổi lại, UBND xã sẽ làm các thủ tục để đền bù đất ở cho gia đình lên phía trước UBND xã, trục đường ra bến đò Cồn Nhất.
Gia đình đã chấp thuận ký biên bản ghi nhớ, đồng ý đổi 1m2 đất thổ cư (gồm cả đất công trình phụ, đất vườn, đất ao) lấy từ 2 đến 3m2 thuộc mặt đường chính đó. Nhưng không hiểu sao gia đình đã phá dỡ công trình và giải phóng mặt bằng xong ngay đầu năm 1994 thì UBND xã tự ý đổi ý và lập biên bản bàn giao đất làn bãi sông Gốc cho con trai út của ông Tư, bà Thục là Ngô Văn Chuân, trong khi đó ông Tư, bà Thục đã nhiều lần viết đơn đề nghị và khiếu nại đòi UBND xã phải đền bù đúng luật. Năm 2005 ông Tư mất, bà Thục tiếp tục viết đơn và điển hình nhất là năm 2006, có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến. Sau đó ông Đỗ Đức Cảnh – Chủ tịch UBND xã đã tổ chức 2 cuộc họp đủ các thành phần ban ngành của xã, có cả đại diện Phòng TN và MT huyện. Trong cuộc họp lần 2 vào tháng 10 năm 2006, ông Trần Kim Tuyến – Phó phòng TN và MT huyện đã phát biểu nội dung chính là: Không cần phải bàn cãi nhau nhiều nữa, việc UBND xã Hồng Tiến thu hồi đất thổ cư, giải tỏa đền bù đất ở ra đất làn bãi sông Gốc là hoàn toàn trái pháp luật. Đề nghị UBND xã nhanh chóng phối hợp với một số ban ngành chức năng của huyện, tham mưu cho UBND huyện xử lý dứt điểm vụ việc, không để kéo dài. Nguyện vọng của gia đình bà Thục và các con đòi đền bù đất ở đúng luật là hoàn toàn chính đáng.
Vào năm 2008 một lần nữa Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện (gồm cả trưởng, phó phòng, cán bộ chuyên môn) xuống làm việc với UBND xã Hồng Tiến để tìm cách giải quyết vụ việc (cuộc họp này không có đại diện của gia đình). Song tất cả mọi việc lại tiếp tục chìm trong yên lặng. Gia đình đã 2 lần rào đường lại, song cán bộ chính quyền xã động viên tháo gỡ rào đi để xã hoàn thành con đường bê tông sau đó sẽ đền bù thỏa đáng. Gia đình gỡ rào và đường làm xong nhưng UBND xã vẫn không giải quyết.
Vào các năm từ 2018 đến 2021, huyện đã 4 lần cử đoàn cán bộ tiếp dân hướng dẫn làm thủ tục giấy ủy quyền khiếu nại. Song đùng một cái UBND huyện nghe cơ quan Thanh tra tham mưu thiếu chuẩn mực và Phó chủ tịch (quyền chủ tịch huyện) Đỗ Xuân Khu ký thông báo không giải quyết đơn thư của ông Ngô Đức Trân, vì quá thời hạn khiếu nại.
Năm 2021, nhận được đơn kiến nghị của CCB Ngô Đức Trân, Tạp chí đã có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương đề nghị giải quyết đơn thư của công dân, song UBND huyện không thụ lý giải quyết. Năm 2022, CCB Ngô Đức Trân tiếp tục có thư ngỏ tới Tạp chí và cả đồng chí Ngô Đông Hải – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy đã có sự chỉ đạo UBND huyện và Huyện ủy Kiến Xương lưu tâm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Năm 2023, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã cử Đoàn Thanh tra làm việc với UBND huyện Kiến Xương và trong đó có nội dung thanh tra công tác quản lý đất đai của UBND xã Hồng Tiến, Đoàn Thanh tra làm việc từ tháng 2 đến tháng 9. Trong Kết luận Thanh tra số 755/KL-TTr ngày 19/09/2023 của Thanh tra tỉnh ghi rõ: “Việc UBND xã Hồng Tiến thu hồi phần đất thổ cư của gia đình ông Ngô Mạnh Tư để làm đường liên xã và đền bù bằng đất làn sông Gốc là không đúng thẩm quyền quy định của Luật Đất đai năm 1993, giao đất không đúng mục đích sử dụng đất, biên bản bàn giao đất không đúng đối tượng”. Như vậy, Kết luận Thanh tra tỉnh từ tháng 9 năm 2023 đến nay đã qua 16 tháng nhưng UBND huyện vẫn chưa thực hiện, giải quyết vụ việc theo Kết luận của Thanh tra, vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ. Như vậy, UBND xã Hồng Tiến và UBND huyện Kiến Xương ngoài vi phạm luật khiếu nại, tố cáo thì tiếp tục vi phạm Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 33/2015 CP ngày 27/03/2015 của Chính phủ, quy định rất rõ sau 15 ngày từ khi nhận được Kết luận Thanh tra, UBND huyện Kiến Xương phải niêm yết Kết luận Thanh tra và nhanh chóng giải quyết vụ việc Thanh tra đã kết luận.
Hiện tại con đường đi qua đất thổ cư của gia đình ông Tư bà Thục đã trở thành con đường trục chính liên huyện, liên tỉnh. Và con đường qua thổ cư vẫn là đoạn đường bất hợp pháp vì chưa có bất cứ một giấy tờ nào quyết định thu hồi, giải tỏa, đền bù theo đúng Luật Đất đai và của cấp có thẩm quyền thu hồi. Hiện tại 4 người con trai của ông Tư, bà Thục (trong đó 2 người gần đây đã chết) vẫn phải ở nhà tạm thời trên làn bãi sông Gốc mà không có chỗ ở hợp pháp theo luật định.
Đến bao giờ UBND xã Hồng tiến, huyện Kiến Xương mới giải quyết dứt điểm vụ việc trên để ổn định cuộc sống của gia đình CCB Ngô Đức Trân?
Ban Bạn đọc
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 4/2025)
VHDN: Đó là hành trình 32 năm của đại tá CCB Ngô Đức Trân đòi đền bù đất ở do UBND xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình thu hồi, giải tỏa, đền bù từ đất thổ cư ra làn bãi sông Gốc trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật. Sự việc […]