Không phải người viết “tự phụ” khi so sánh bộ não người với vũ trụ. Thế nhưng bộ não cũng mênh mông và khôn lường như sự vô tận của vũ trụ. Khoa học đã chỉ ra rằng, số lượng dây thần kinh trong bộ não con người có khoảng trên 100 nghìn tỷ tế bào, tương đương với số lượng tinh tú trong dải thiên hà của chúng ta.
Nếu tính luôn tất cả các tế bào liên kết, mỗi tế bào liên kết trực tiếp với 10 ngàn tế bào khác thì con số này sẽ tăng lên đến mức phi thường. Vì vậy, bộ não thực sự là một bầu vũ trụ thu nhỏ. Sức mạnh của bộ não con người có thể biến vô hình thành hữu hình. Nó cũng giống như việc, sự việc xảy ra hàng nhìn, hàng triệu năm trong quá khứ vẫn được tái hiện trong tương lai.
Nhà bác học Edison đã nói: “Trong thành công của tôi thì có 99% là mồ hôi nước mắt, chỉ có 1% là do trời phú”. Vũ trụ rộng lớn như ngày nay cũng không phải tự nhiên mà có. Bởi, vũ trụ cũng phải luôn luôn vận động để tự bản thân nó mở rộng.
Nhiều nhà khoa học tin rằng, vũ trụ được hình thành từ vụ nổ Big Bang cách đây 13,8 tỷ năm. Con người có phần thiệt thòi hơn vì đã sinh ra sau vũ trụ với thời gian quá lớn. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta chịu thua vốn hiểu biết về vũ trụ. Nhờ sự vận động của não bộ khiến con người hiểu được quá khứ và tương lai của vũ trụ, thậm chí là chinh phục cả vũ trụ.
Bộ não của con người có thể tạo ra khả năng không giới hạn. Kỳ thực con người mới chỉ sử dụng được vài phần trăm não bộ vào hoạt động ý thức, vậy mà tạo nên nhiều kỳ tích phi thường. Nếu muốn sử dụng được nhiều phần trăm não bộ hơn nữa tất yếu bộ não của chúng ta cũng phải vận động nhiều hơn nữa. Chỉ có vận động thì bộ não con người mới ngày càng được “mở” ra.
Sự phát triển của bộ não cũng có thể hiểu thông qua sự nhận thức. Xã hội càng phát triển thì nhận thức của con người càng cao. Điều đó càng chứng tỏ mối quan hệ tương tác giữa xã hội với con người. Khi xã hội còn sơ khai, đồng nghĩa với việc nhận thức con người còn thấp, mọi sự vật, hiện tượng xảy ra trong tự nhiên đều giải quyết bằng trí tưởng tượng rồi sau mới đến thực tiễn.
Ban đầu chưa biết gì về trời, đất, thì con người chúng ta tưởng tượng ra “trời tròn, đất vuông”. Bằng vào não bộ, nhiều người nhận thức được rằng, quan điểm suy đoán không bao giờ chính xác tuyệt đối. Do đó, đoàn thám hiểm của Magellan đã thực hiện chuyến đi vòng quanh trái đất bằng đường biển (từ năm 1519 đến 1522), kết quả chứng thực, trái đất hình tròn chứ không phải hình vuông.
Nhờ vào bộ não mà loài người mới có thể thu gặt được những thành tựu to lớn như ngày nay. Các thành tựu về văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật vv… có được đều bắt nguồn từ sự vận dụng của bộ não. Sức mạnh của bộ não con người có thể làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh nhưng có thể sinh ra sự hủy diệt vô cùng khủng khiếp. Trường hợp năm 1945, quân đội Mỹ đã ném 02 quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Kết quả, hơn 200 ngàn người bị chết là minh chứng của sự hủy diệt.
Thành quả lớn nhất của con người chính là tạo ra cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Sự phát triển của khoa học công nghệ giúp con người tạo ra nhiều của cải cho xã hội chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi, sức lao động chân tay thì ngày càng được giảm đi.
Chính khoa học công nghệ đã đưa con người bay vào vũ trụ. Và cũng chính nó giúp con người chúng ta đứng ở trái đất “nhòm” vũ trụ, để rồi biết rằng, hóa ra các tinh tú trên bầu trời cũng chính là các hành tinh to lớn chẳng kém gì trái đất, chứ không phải là các lỗ hổng của tấm vải dệt nên bầu trời. Và qua đó, ánh sáng chói lọi được chiếu qua bằng một thế giới khác chính là thiên đàng, như một số quan điểm của những nền văn minh cổ đại tưởng tượng ra.
Khoa học càng hiện đại thì càng giúp con người sớm tìm hiểu được sự thật của vũ trụ. Điều này cũng đồng nghĩa bộ não ngày càng mở ra, thì vũ trụ sẽ bị thu nhỏ lại trước tầm hiểu biết của con người. Tuy nhiên, vũ trụ thì có thể tồn tại vô hạn còn đời người thì hữu hạn. Vì biết được quy luật này nên con người đã lưu giữ lại những kiến thức của mình để truyền lại cho hậu thế.
Mỹ là một quốc gia có số lượng các nhà khoa học đến sống và nghiên cứu nhiều nhất thế giới. Do đó, có thể nói, các nhà khoa học chính là linh hồn của nước Mỹ. Bởi, nhờ vào thành tựu của các nhà khoa học tạo ra, nước Mỹ mới phát triển được như ngày nay.
Để những kiến thức của những người lỗi lạc trong tất cả các lĩnh vực được nhân rộng, nước Mỹ đã cho lập nhiều trường đại học. Chỉ có giáo dục mới giúp con người kế thừa những kiến thức tinh hoa một cách khoa học và bài bản nhất. Sau kế thừa tất yếu sẽ là phát huy và sáng tạo ra cái mới. Do đó, thông qua môi trường giáo dục, nước Mỹ ngày càng không ngừng đào tạo ra nhiều con người lỗi lạc ở mọi lĩnh vực. Và chính họ lại tiếp tục sự nghiệp dang dở của những người đi trước, để rồi góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển văn minh của nhân loài.
Ở Việt Nam. Còn nhớ ngày 1/7/2014, khi Bộ Lao đông – Thương binh – Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố, cả nước có 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Ngay lập tức nhiều người lên mạng cổ súy cho việc “học thì học, không học thì thôi, đại học cũng chẳng để làm gì”. Thời điểm ấy, dư luận xôn xao nhất có lẽ là bài báo mang tựa đề: (Nhà văn “hot girl” và quan điểm không cần học đại học), thông qua hình ảnh nhà văn Vũ Thanh Phương khi cô cho rằng, thi đại học không nên đặt nặng đỗ – trượt. Được thì được, không được thì thôi.
Quan điểm nêu trên sẽ là nỗi buồn của xã hội. Thực sự con người có nhiều cách để học. Thế nhưng chỉ có môi trường giáo dục mới đào tạo con người một cách bài bản nhất, chuyên nghiệp nhất và khoa học nhất. Còn vấn đề học cái gì vừa giúp ích cho bản thân lại giải quyết được việc làm thì cần phải dựa vào sự lựa chọn của bản thân. Cùng với đó là sự tư vấn của gia đình, bạn bè. Đặc biệt là vai trò định hướng của xã hội.
Lê Nin đã từng nói: “học, học nữa, học mãi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của học tập như sau: “đời người là một nấc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Kế thừa chính là cách tiếp nhận kiến thức nhanh nhất. Giáo dục là môi trường giúp con người kế thừa một cách bài bản và khoa học.
Chỉ khi hiểu biết một cách khoa học thì bộ não con người mới ngày càng mở ra. Khi đó, tất yếu vũ trụ sẽ bị thu nhỏ lại trước tầm hiểu biết của con người. Ngược lại nếu không hiểu biết, đừng nói đến vũ trụ, ngay cả một vấn đề nhỏ của xã hội trong trí não của chúng ta cũng mãi là vực thẳm.
Xuân Hoàng
VHDN:Bộ não của con người giống như hiện thân của vũ trụ. Vũ trụ rộng lớn bao nhiêu, thì bộ não con người cũng vô tận bấy nhiêu. Bộ não ngày càng mở ra, thì vũ trụ sẽ bị thu nhỏ lại trước tầm hiểu biết của con người. Không phải người viết “tự phụ” […]