Sự kiện - chuyên đề:

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm thức người dân Lào

Giới học giả và cán bộ Lào nhận định: Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, lòng nhân ái bao dung không chỉ của người Việt Nam mà còn cả đối với cả cộng đồng thế giới.

 

Ông Thongvanh Thongdy, học giả từng có nhiều năm sinh sống và học tập tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Ông Thongvanh Thongdy, học giả từng có nhiều năm sinh sống và học tập tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất, hiện thân cho những đức tính cao đẹp nhất của một người cộng sản chân chính.

Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, lòng nhân ái bao dung và sự giản dị không chỉ của người Việt Nam, mà còn cả đối với cả cộng đồng thế giới. Đây là chia sẻ chung của giới chuyên gia, học giả và cán bộ Lào về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong căn nhà tại bản Tanmixay, ở thủ đô Vientiane, ông Thongvanh Thongdy, một học giả từng có nhiều năm sinh sống và học tập tại Việt Nam, từng đọc nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn hiểu rằng những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong mỗi tác phẩm đều là những tâm huyết và có cả những lời căn dặn rất có ý nghĩa để các thế hệ kế tiếp noi theo và học tập.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Vientiane, ông Thongvanh cho biết bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 5 bảo vật quốc gia của Việt Nam và được coi là di sản quý báu để truyền lại cho các thế hệ sau.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đề cập nhiều vấn đề, song ông rất ấn tượng nhất với nội dung “Về việc riêng,” trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự trăn trở, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam, cùng lòng mong muốn đưa Việt Nam trở thành một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

ttxvn chu_tich_ho_chi_minh_trong_tam_thuc_cua_nguoi_lao3.jpg
Ông Thongvanh Thongdy (trái), học giả từng có nhiều năm sinh sống và học tập tại Việt Nam, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào về những cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông từng nghiên cứu rất kỹ lưỡng để vận dụng vào công việc và cuộc sống hằng ngày. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Ông Thongvanh nhớ rất rõ 1 câu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết là “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.”

Theo ông Thongvanh, trong cuộc sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi luôn là một tấm gương sáng để cho mỗi thế hệ chúng ta noi theo.

Ông cho rằng là những thế hệ tiếp nối, cần phải hiểu những điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phải tin tưởng rằng những nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ luôn bất hủ và mãi trường tồn, là kim chỉ nam cho các cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.

Chính những điều này đã thôi thúc ông Thongvanh tìm hiểu sâu hơn nữa về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để học tập từ những điều giản dị và sự khiêm tốn của Người. Với ông Thongvanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi luôn là tấm gương đạo đức sáng ngời, một vị lãnh tụ thiên tài không chỉ của riêng Việt Nam, một nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới. Đây cũng chính là sự tự hào của người dân Việt Nam và cả người dân Lào.

Còn với chị Tavanh Vanhthong, một cán bộ thuyết minh của Khu di tích Chủ tịch Kaysone Phomvihane ở thủ đô Vientiane, khi đưa nhóm phóng viên TTXVN tại Lào đến căn phòng ngủ của cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane, chị đã giới thiệu về cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách “gối đầu giường” của cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane.

ttxvn chu_tich_ho_chi_minh_trong_tam_thuc_cua_nguoi_lao.jpg
Chị Tavanh Vanhthong, cán bộ thuyết minh của Khu di tích Chủ tịch Kaysone Phomvihane ở thủ đô Vientiane, trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Theo chị Tavanh Vanhthong, cuốn sách là hiện vật gốc bởi trong đó có một số trang vẫn còn lưu dấu mực đỏ gạch chân những nội dung mà Chủ tịch Kaysone Phomvihane quan tâm, góp phần vào những thắng lợi của cách mạng Lào.

Là một cán bộ làm việc ở Khu di tích, chị Tavanh hiểu rất rõ những nội dung trong cuốn sách, chị chia sẻ tác phẩm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1947, ký tên là X.Y.Z. và các đồng chí Việt Nam đã tặng cho Chủ tịch Kaysone Phomvihane trong dịp tham dự Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương, với tư cách là đảng viên và là một trong các đại biểu của Cách mạng Lào.

Khi Chủ tịch Kaysone Phomvihane nhận cuốn sách này, người đồng chí Việt Nam có nói rằng: “Cuốn sách này được mỗi cán bộ, đảng viên và chiến sĩ Việt Nam xem là cuốn cẩm nang thiêng liêng vô cùng quý báu trong cuộc sống, là kim chỉ nam trong việc thực hiện sứ mệnh cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi.”

Kể từ đó, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nghiên cứu tất cả những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách kỹ lưỡng, từng dòng, từng phần để áp dụng vào cuộc sống và trong hoạt động chỉ đạo cách mạng Lào.

ttxvn chu_tich_ho_chi_minh_trong_tam_thuc_cua_nguoi_lao- sach.jpg
Nội dung đầu tiên trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách “gối đầu giường” của cố Chủ tịch Đảng NDCM Lào Kaysone Phomvihane, trong Khu di tích Chủ tịch Kaysone Phomvihane ở thủ đô Vientiane. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Chị Tavanh cho biết thêm tác phẩm có 6 phần, gồm Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Nội dung trong cuốn sách đã nêu lên và giải quyết rất nhiều vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách, cả về lý luận và thực tiễn, của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tất cả các nội dung trong tác phẩm đều ngắn ngọn và súc tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng các từ ngữ rất dễ hiểu, để mọi người ai cũng có thể đọc hiểu và áp dụng.

Bởi vậy, ngay từ những lần đầu đọc cuốn sách này, chị Tavanh đã cảm nhận và hiểu được những nội dung rất hay, rất quan trọng trong cuốn sách, đặc biệt là lối sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư hay phong cách làm việc một cách rất khoa học và đầy tính kỷ luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp chị có thể vận dụng vào trong cuộc sống cũng như công việc hàng ngày.

Trong khi đó, ông Xayalath Vongyalat, Vụ trưởng Vụ Bảo tàng Kaysone Phomvihane và Di tích lãnh tụ cách mạng Lào, cho biết ông rất ấn tượng về các lãnh đạo Việt Nam và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người luôn quan tâm đến phong trào cách mạng ở Lào. Trong mỗi tác phẩm do của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đều có rất nhiều bài học hay mà ông có thể áp dụng vào trong cuộc sống và công việc hàng ngày.

Theo ông Xayalath Vongyalat, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Lào- Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu đặt nền móng, các thế hệ kế tiếp của cả hai nước Việt Nam-Lào phải không ngừng vun đắp và phát triển, đưa mối quan hệ đặc biệt này ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại lợi ích thực tế về cho người dân hai nước.

ttxvn chu_tich_ho_chi_minh_trong_tam_thuc_cua_nguoi_lao5.jpg
Ông Xayalath Vongyalat, Vụ trưởng Vụ Bảo tàng Kaysone Phomvihane và Di tích lãnh tụ cách mạng Lào trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Ông Xayalath khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh và Tư tưởng Kaysone Phomvihane là luôn lo cho người dân, cho đất nước; khi nào cũng lo lắng cho cuộc sống của người dân phải luôn được ấm no, hạnh phúc và làm sao để mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào mãi phát triển không ngừng.

Ông khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, học tập để kế thừa và giáo dục các thế hệ tiếp theo phải học tập và nghiên cứu tư tưởng lý luận của hai chủ tịch để áp dụng vào cuộc sống cũng như trong công việc hằng ngày.

Nguồn: Báo Công lý

18:36:59 01-09-2024

Giới học giả và cán bộ Lào nhận định: Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước, lòng nhân ái bao dung không chỉ của người Việt Nam mà còn cả đối với cả cộng đồng thế giới.   Ông Thongvanh Thongdy, học giả từng có nhiều năm sinh […]

Đối tác của chúng tôi