Hội thảo nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thương mại điện tử, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để thương mại điện tử bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật.

Hoàn thiện chính sách pháp luật trong phát triển thương mại điện tử
 Quang cảnh hội thảo.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh chóng về thương mại điện tử. Đến nay, thương mại điện tử đã lan tỏa rộng rãi đến mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển đó là nhiều vấn đề cần quan tâm như: Hàng giả, vi phạm thương hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Hoàn thiện chính sách pháp luật trong phát triển thương mại điện tử
Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ thông tin về thương mại điện tử tại hội thảo.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đảm bảo tính khả thi, phù hợp điều kiện thực tế; đảm bảo môi trường cạnh tranh kinh doanh công bằng, minh bạch. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có 4 nhóm chính sách lớn: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử; quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.

Theo QĐND