Anh Thắng là đời thứ sáu trong gia đình duy trì nghề làm bún bánh. Sản lượng trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 6 đến 7 tạ bún, bảo đảm giao đủ hàng cho 16 trường mầm non, các siêu thị, một số hàng ăn trên địa bàn TP và bán ở chợ Thương. Thời gian gần đây anh có thêm khách hàng là một bếp ăn ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên).
Trước thực trạng “vàng thau lẫn lộn”, kèm theo có một thời gian dài báo chí đề cập đến việc sử dụng hóa chất trong công nghệ làm bún có thể gây độc hại cho người sử dụng… cũng làm không ít các cơ sở làm bún, bánh lao đao. Tuy nhiên, đối với HTX Bún bánh sạch Thắng Thủy Đa Mai, anh chị xác định chất lượng và tiêu chí quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự tồn tại và phát triển. Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm và được nhiều người tiêu dùng trong cả nước tin dùng. Ðặc biệt, với quy trình sản xuất khép kín, bán công nghiệp, sản phẩm bún bánh sạch của HTX đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá cao về chất lượng.
Cụ thể, để giữ uy tín, anh Thắng không bao giờ sử dụng bún tồn từ hôm trước để bán. Vì không sử dụng phụ gia, hóa chất nên sợi bún có độ dẻo dai tự nhiên và hương vị đặc trưng. Nếu đem đặt bún Đa Mai cạnh sản phẩm cùng loại có sử dụng phụ gia hóa chất, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy màu bún Đa Mai sẫm hơn, không quá sáng bóng. Để cho ra lò sản phẩm hằng ngày, cơ sở của anh Thắng phải sử dụng khoảng 50 thùng ngâm gạo và ngâm bột loại 120 lít để gối mẻ.
Được biết, hiện các công đoạn làm bún từ vo gạo, xay bột, vắt đến sản xuất bún thành phẩm đã được máy móc hỗ trợ nên người làm bún đỡ vất vả hơn nhiều. Gạo làm bún là loại gạo ăn thông dụng được cho vào máy vo sạch, ngâm với nước sạch khoảng 12 tiếng cho mềm, sau đó xay thành bột, ngâm bột với nước sạch trong các thùng lớn chuyên dụng. Mùa đông, phải ngâm từ 8 đến 10 ngày đêm, mùa hè từ 2 đến 3 ngày đêm mới đủ thời gian cho bột lên men, bún có độ dẻo, độ chua thích hợp và mùi thơm tự nhiên, nếu thời gian ngâm bột không bảo đảm sẽ không thành bún.
Theo anh Thắng và những người dân làm nghề tại đây, bà con có thể rút ngắn thời gian ngâm gạo và bột nhờ hóa chất và phụ gia để tiết giảm chi phí, tăng năng suất, sợi bún trắng bóng bắt mắt, để được lâu hơn và giảm giá thành sản phẩm song mọi người bảo nhau quyết giữ “tiếng lành” của bún Đa Mai, không vì chạy theo cái lợi trước mắt mà đánh mất tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngâm đủ ngày, bột được máy vắt khô kiệt hết nước chua, đánh tơi; tiếp tục được đưa vào máy liên hoàn để đánh nhuyễn với nước sạch dùng máy ép qua khuôn tạo sợi, luộc chín, vớt ra để 10-15 phút cho ráo nước là có bún thành phẩm; tùy tay người “bắt” mà có bún lá hoặc bún rối.
Nhờ kiên trì giữ gìn tiếng thơm của sản phẩm làng nghề, năm 2017, bún bánh Đa Mai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Năm 2018, theo chủ trương của UBND phường, anh Thắng đứng ra thành lập HTX Bún bánh sạch Thắng Thủy Đa Mai với 13 thành viên do anh làm Giám đốc; tiếp tục đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất của gia đình với công suất và mặt bằng lớn hơn. HTX cũng đề xuất Phòng Kinh tế TP hỗ trợ các thủ tục để có được tem truy xuất nguồn gốc, khẳng định uy tín với người tiêu dùng.
Kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm là phải đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu và duy trì xuyên suốt sự đảm bảo đó. Trải qua thời gian, người tiêu dùng sẽ tin vào chất lượng sản phẩm và cùng đồng hành cùng doanh nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó, đầu năm 2019, HTX Bún bánh sạch Thắng Thủy Đa Mai vinh dự nhận giải thưởng “Sản phẩm tin cậy – Dịch vụ hoàn hảo – Nhãn hiệu ưa dùng năm 2018” do người tiêu dùng bình chọn. Sự kiện này đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của từng cá nhân cũng như tập thể HTX Bún bánh sạch Thắng Thủy Đa Mai trong việc khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Dương Nhung
VHDN: Phường Đa Mai, TP Bắc Giang nổi tiếng với nghề truyền thống làm bún. Hiện có hàng trăm hộ làm nghề bún, bánh truyền thống. Một trong số các cơ sở được nhiều người biết đến là hộ anh Thân Văn Thắng (HTX Bún bánh sạch Thắng Thủy Đa Mai) tại số 10, ngõ […]