Sự kiện - chuyên đề:

Hương nghề làng rọ tôm

VHDN: Gợi nhắc về miền quê Song Khê (TP. Bắc Giang), hình ảnh người lao động tay mành, tay nan… đan từng chiếc rọ tôm thật điêu luyện. Mặc dù đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho bà con. Nhờ đó hương nghề nơi đây có điều kiện được lan tỏa khắp nơi.

Ông Nguyễn Khắc Tiệp tay mành, tay nan đan rọ tôm thoăn thoắt để kịp số lượng hàng sắp xuất bán.

Dưới nắng xuân vàng rượm, mặt hồ Song Khê phả đầy nhựa sống. Soi tỏ mỗi nếp nhà là hoạt động đan lát đầy tất bật của bà con. Đồng đất quê hương quả thực khéo kiến tạo nên những sản vật như thế. “Chất” nghề nơi đây nhuốm màu bình dị của cuộc sống làng quê, xen lẫn trong đó là thứ nhạc luật mang nặng hơi thở của cuộc sống.

Khởi thủy làng nghề

Làng nghề nơi đây lưu giữ những giá trị tinh túy. Được biết, vào những năm 1975- 1976 cụ Lý Đình Nam là người trực tiếp mang nghề về địa phương. Mới hay, ngày ấy cụ Nam đi bộ bội, đóng quân ở Thái Nguyên nên cụ đã học hỏi được kinh nghiệm làm nghề từ các cụ thân sinh để lại. Ngày qua tháng lại, chăm chút với từng sợi nan, sợi mành trên tay khiến cụ thêm phần gắn bó và say mê hơn với nghề. Bởi vậy, cho dù tới lúc nhắm mắt xuôi tay nhưng cụ vẫn không quên dặn dò các con, các cháu của mình dù có khó khăn thế nào cũng phải bám nghề, giữ nghề.

Nghề phụ – thu nhập chính

Để tiếng thơm của nghề mãi được lưu truyền, phải kể đến vai trò của gia đình ông Nguyễn Khắc Tiệp (60 tuổi), ở thôn Song Khê, xã Song Khê (TP. Bắc Giang) với thâm niên về nghề đan rọ tôm. Trước đây, rọ tôm được làm bằng thân cây tế và do làm bằng tay, không có khuôn nên cái thì to, cái thì nhỏ, hình dáng méo mó, khi vận chuyển lại dễ bị hỏng. Đặc biệt, khi sử dụng độ bền không cao, đánh được ít tôm, khi ngâm lâu trong nước rong rêu đến sinh sống bịt kín thân rọ, tôm ở trong đó lâu sẽ bị chết. Sau đó, ông Tiệp mới dần chuyển sang làm rọ tôm từ cây tre, cây dùng, cây nứa để khắc phục những hạn chế đó. Mỗi khi vào mùa nước, nước từ các con sông dâng lên, các hồ, đập, ruộng lênh láng cá, tôm thì các sản phẩm rọ tôm lại “đắt như tôm tươi”. Với đặc thù lao động tại nhà và có thể tận dụng được thời gian mỗi khi nông nhàn nên đây được xem là “chiếc cần câu cơm” hữu hiệu với mỗi gia đình.

Theo chân ông, chúng tôi trực tiếp “thực mục sở thị” về nguyên liệu cũng như các công đoạn cần thiết để có thể hoàn thành một chiếc rọ tôm. Ông cho hay, trước đây khi cây tre chưa được du nhập thì cây dùng được xem là nguyên liệu làm rọ tôm chính. Trong đó, công đoạn đan hom là quan trọng nhất bởi nếu hom có chắc chắn thì mới bắt được nhiều tôm, cua. Bình quân một lao động chính 10 ngày có thể sản xuất ra hơn 300 chiếc rọ tôm, giá bán trung bình từ 8000 – 9000 đồng/ chiếc”, thu nhập đem lại mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng”, ông Tiệp cho biết.

“Nghề đan rọ tôm của Song Khê đang trên đà phát triển nhưng cũng có thời điểm có dấu hiệu mai một bởi sự xuất hiện của các khu công nghiệp đã trực tiếp làm giảm đáng kể số lượng lao động làm nghề tại địa phương. Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn một lòng một dạ thủy chung với nghề.

Dẫu còn đó những khó khăn nhưng bà con nơi đây luôn tâm huyết, nỗ lực với nghề. Hi vọng rằng, điều đó có thể giúp hương nghề nơi đây bay xa hơn, khẳng định tiếng thơm muôn đời.

Ái Liên

15:59:29 08-12-2018

VHDN: Gợi nhắc về miền quê Song Khê (TP. Bắc Giang), hình ảnh người lao động tay mành, tay nan… đan từng chiếc rọ tôm thật điêu luyện. Mặc dù đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho bà con. Nhờ đó hương nghề nơi đây có điều kiện được lan tỏa […]

Đối tác của chúng tôi