Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội lần này có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Đại hội XIII cũng đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Đại hội được tiến hành theo phương châm: Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển, với chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội.

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, theo Dự thảo Báo cáo chính trị, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tự quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ẩn nổi bật.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao (khoảng 5,9%/năm); tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh nền kinh tế được nâng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỷ USD, bình quân đầu người ước đạt 2,750 USD/người).

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều hiệu quả rõ rệt. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá quyết liệu, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết giữa “xây” và “chống”.

Bên cạnh đó, sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội được tăng cường. Qua đó, chính trị – xã hội ổn định; Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội và sự phát triển của đất nước. Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng đã đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19; từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh; ổn định đời sống, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông đánh giá, 10 thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lượt phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 đã tạo những bước tiến quan trọng cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện, khẳng định những giá trị to lớn của Cương lĩnh.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông cho rằng, lý luận về đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế nước ta được nâng lên (năm 1989: 6,3 tỷ USD đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD). Đời sống nhân dân cả về vật chất và  tinh thần được cải thiện rõ rệt (năm 1985: bình quân thu nhập đầu người: 159 USD, năm 2020 ước đạt 2,750 USD/năm). Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá đô lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà kết tinh là sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạnh Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo enternews