Sự kiện - chuyên đề:

Huyện Đức Huệ, Long An: Đất và nỗi buồn của mẹ

VHDN:Một người mẹ ở tuổi xấp xỉ 80, gương mặt nhân từ, phúc hậu, nhưng trong đôi mắt luôn nhìn về khoảng không phía trước với ánh nhìn thăm thẳm, buồn đến nao lòng. Bà nói rằng mình bị lừa ký vào một tờ giấy gì đó hồi năm 2015 và bây giờ khi vỡ lẽ mới hiểu đó là chữ ký quyết định số phận của mảnh đất tổ tiên, ông bà, vợ chồng bà đã dày công khai phá, vun bồi. Nguy cơ mất nhà đất hương hỏa, nơi thờ tự tổ tiên của người mẹ quê tội nghiệp này là có thật và đang hiện rõ từng ngày.

Bà Huỳnh Thị Khác.

Đó là hoàn cảnh của gia đình ông Phạm Văn Long ở ấp 4, Mỹ Thạnh Đông (chồng của nhân vật người mẹ quê ở phần đầu bài viết). Ông Long sinh năm 1944, từ thời niên thiếu đã theo cách mạng, từ cán bộ xã ủy Mỹ Thạnh Đông, rồi làm Phó phòng Tài chính huyện, rồi Trưởng phòng Thuế công thương huyện Đức Huệ đến khi nghỉ hưu. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Khác-người phụ nữ quê đôn hậu cùng ông bám trụ sống chết với mảnh đất đã bao đời tạo lập. Cả đời người đàn bà quê mùa ấy chỉ biết viết nguệch ngoạc một chữ duy nhất là tên của mình, nhưng oái oăm thay, cũng chính cái chữ viết mà người ta cố tình đưa bà viết vào tờ giấy chi chít chữ đánh máy cách đây 5 năm đã khiến toàn bộ diện tích 2.967 mét vuông gồm đất đai, nhà cửa hương hỏa được tạo dựng bao đời của gia đình về tay người khác.

Bà nói rằng, hôm ấy có một đoàn người đến đưa giấy bảo tôi ký, và lúc bấy giờ chồng tôi bị tai biến nằm một chỗ, không còn biết gì, họ đã cầm tay ông điểm chỉ vào tờ giấy gì đó, xong họ kéo nhau đi, sau đó đến đo đo, vẽ vẽ… Tôi được vài người nói rằng là đất này tôi đã cùng chồng tôi ký bán. Trời ạ! Một ông già 71 tuổi nằm bất động, và một bà già 70 tuổi không biết một chữ thứ hai lại có thể tự nguyện ký vào tờ giấy bán sạch đất đai của tổ tiên ông bà bằng một tâm thế “hoàn toàn tự nguyện (?), đúng pháp luật” và “người ta” cũng xác định rằng: “Đối tượng hợp đồng là có thật, chữ ký trong hợp đồng là đúng chữ ký người tham gia trong hợp đồng, và không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.”

Tôi đã lần giở tra cứu tất cả các quy định liên quan đến vấn đề này thì không thấy có bất cứ một điều khoản nào, từ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Công chứng… cho phép hai ông bà già tuổi quá 70, một người đang hấp hối, một người không biết chữ thực hiện một giao dịch mà họ cho là tự nguyện: Bán sạch đất hương hỏa thờ cúng tổ tiên ông bà! Đặc biệt là đối với ông Phạm Văn Long, tại thời điểm người ta cầm tay ông điểm chỉ vào giấy chuyển nhượng cũng là lúc ông đang trong trạng thái vô thức (ông bị tai biến nằm liệt một chỗ đã lâu và sau đó không lâu thì qua đời).

Phần đất của ông Long và bà Khác tại ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, bị lừa ký chuyển nhượng.

Quá lo sợ trước việc bị lừa ký vào giấy chuyển nhượng đất, nên ngày 15 tháng 1 năm 2015-tức là một ngày sau khi bị lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng, bà Khác đã nhờ người viết đơn gửi hỏa tốc cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đức Huệ, yêu cầu hủy bỏ cái hợp đồng chuyển nhượng “oan nghiệt” kia, nhưng dường như mọi cố gắng của một bà mẹ quê hiền từ, dốt chữ không đủ sức làm thay đổi ý chí gian dối, lừa gạt của nhiều người đã được hợp thức hóa bằng một văn bản công chứng có con dấu đỏ chót của một Văn phòng công chứng trên địa bàn. Từ đây số phận mảnh đất mà lúc sinh tiền ông Phạm Văn Long đã lập tờ “Tương phân chia đất” cho các con bắt đầu một “hành trình” lưu lạc…

Kỳ tới: NHỮNG BẤT THƯỜNG TRONG MỘT HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG

Huỳnh Khánh Hưng

16:27:09 09-09-2020

VHDN:Một người mẹ ở tuổi xấp xỉ 80, gương mặt nhân từ, phúc hậu, nhưng trong đôi mắt luôn nhìn về khoảng không phía trước với ánh nhìn thăm thẳm, buồn đến nao lòng. Bà nói rằng mình bị lừa ký vào một tờ giấy gì đó hồi năm 2015 và bây giờ khi vỡ […]

Đối tác của chúng tôi