Với nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, công nghiêp, huyện EaKar có đầy đủ điều kiện để trở thành đô thị động lực thứ ba, trở thành thị xã và là trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Nổi bật trong thành quả thu hút đầu tư của huyện chính là cụm công nghiệp Ea Đar tại xã Ea Đar, cách thị trấn Ea Kar 5km và có diện tích 51,5ha là một trong 5 khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động của tỉnh Đắk Lắk. Mục tiêu của cụm công nghiệp này là thu hút các nhà máy trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa, chế biến gỗ cao cấp… nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện Ea kar, một trong trong những trung tâm kinh tế, chính trị lớn nằm ở phía Đông của tỉnh Đắk Lắk và tạo việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở nông thôn…
Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, đã có 10 nhà đầu tư đến xin thuê đất xây dựng nhà xưởng và lập dự án đầu tư tại cụm công nghiệp này. Trong đó, có 5 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định với tổng vốn đầu tư xây dựng trên 210 tỷ đồng như: Công ty TNHH Đông Tây Nguyên với nhà máy luyện cán thép có vốn đầu tư 6 tỷ đồng, công suất đạt 3.600 tấn sản phẩm/năm; HTX Thắng Lợi đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng lò gạch kiểu đứng liên tục với công suất 5 triệu viên/năm; Công ty TNHH Sản xuất giày dép Việt Thắng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày, dép, ủng nhựa với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam tại Ea Kar, là công ty 100% vốn nước ngoài có vốn đầu tư 6 triệu USD, công suất 220.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm…đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương và đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách địa phương. Sự phát triển nhanh của khu công nghiệp nhờ huyện đã quan tâm đầu tư vào công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng để giao mặt bằng “sạch” cho doanh nghiệp cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống điện, nước… Ngoài những việc làm chủ động và thiết thực kể trên thì một trong những lý do thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp Ea Đar là vùng nguyên liệu. Ea Kar nằm ở trung tâm các huyện phía Đông của tỉnh như M’Đrắk, Krông Bông, Krông Pắk và Krông Năng nên nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến tại cụm công nghiệp Ea Đar khá thuận lợi và dễ dàng. Các nguồn nguyên liệu chính như cà phê, điều, ngô lai, sắn… với số lượng lớn. Hiện vẫn còn 5 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Cồn sinh học Ethanol, Công ty cổ phần Xây dựng Lộc Phát, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Ya Vina, Công ty TNHH Công thương Miền Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Nam Đông, đang triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất cồn sinh học, đá Grannit, mũ bảo hiểm và mặt hàng nhựa gia dụng, chế biến nông sản xuất khẩu… Khi các dự án này được triển khai thì tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp này sẽ đạt 90%.
Hiện tại, huyện cũng đang triển khai thủ tục quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Ea Ô (xã Ea Ô), nằm trên trục đường giao thông kết nối với tuyến đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; hoàn thiện hạ tầng, kêu gọi các dự án đầu tư lấp đầy diện tích tại Cụm công nghiệp Ea Đar nhằm thúc đẩy phát triển logistics, giải quyết vấn đề đầu ra của nông sản và huyện đã và đang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm, trong đó có việc thực hiện các hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng; đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; công trình đường dây 220KV Krông Buk- Nha Trang… Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, huyện cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Dự án Khu đô thị Meyhomes (xã Ea Đar), khu nông nghiệp công nghệ cao (90 ha), chợ đầu mối Ea Kar (45 ha)… Dự án khu đô thị ven hồ Ea Knốp 45 ha; Khu thương mại, dịch vụ và du lịch hồ Ea Knốp 150 ha; Dự án chợ đầu mối huyện Ea Kar 45 ha (thôn 9, xã Cư Ni); Khu đô thị mới thôn 12 Cư Ni; triển khai thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trang trại chăn nuôi Tasico (thôn 4, xã Ea Sô).
Huyện cũng xúc tiến, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của địa phương, trong đó có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch; các dự án xã hội hóa giáo dục, y tế chất lượng cao theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với lợi thế có cả rừng, hồ, thác, Ea Kar có đầy đủ điều kiện phát triển du lịch sinh thái. Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô được đánh giá là “viên ngọc quý” trong hệ sinh cảnh rừng nhiệt đới. Không chỉ phong phú về các loại động, thực vật, trong khu bảo tồn còn rất nhiều thác, ghềnh, vách đá hiểm trở, đặc biệt là Thác Bay hùng vĩ có thể tạo ra những chuyến du lịch khám phá thiên nhiên, mạo hiểm. Loại hình du lịch lịch sử – truyền thống, du lịch nông nghiệp – sinh thái cũng có thể trở thành thế mạnh của địa phương bởi sự đa dạng về di tích danh thắng, mô hình. Đặc biệt, với lợi thế có hệ thống giao thông kết nối gồm Quốc lộ 26, Quốc lộ 29, nhất là đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn huyện sắp được khởi công, Ea Kar có đầy đủ điều kiện để trở thành một trong những vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Để thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar, Giải đua thuyền kỷ niệm Ngày 30/4 và 1/5, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng – thể thao trong dịp quốc khánh 2/9… Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao hình ảnh Ea Kar, thu hút các nhà đầu tư và du khách…
Với các chính sách đúng đắn về phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư mạnh mẽ và có hiệu quả, huyện Ea Kar đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2025.
Nguyễn Văn Cuông
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 12/2024)
VHDN: Từ một huyện nghèo, kết cấu hạ tầng, đường sá xập xệ, dân cư thưa thớt, những bóng nhà gỗ xiêu vẹo, những vườn tược, nương rẫy hắt hiu, sản xuất thuần nông nhưng manh mún, chắp vá; công nghiệp thì nhỏ lẻ; buôn bán cũng chỉ mớ rau, con cá…, người dân nơi […]