Sự kiện - chuyên đề:

Huyện Hòa Bình: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

VHDN: Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ưu đãi, huyện Hòa Bình hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế năng động của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng bán đảo Cà Mau nói chung. Đặc biệt, với thế mạnh kinh tế mũi nhọn như: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), huyện Hòa Bình thật sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

 

TỪ ƯU TIÊN TÔM CÔNG NGHỆ CAO

Tích cực thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”, huyện Hòa Bình đã quy hoạch vùng phía Nam Quốc lộ 1A là vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp. Trong đó, tập trung phát triển các đối tượng chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… Đến nay, nuôi trồng thuỷ sản được xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện, với tổng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh là 11.600 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích toàn tỉnh (29.400 ha). Vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát huy lợi thế về nuôi tôm, đặc biệt là xác định và ưu tiên phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC và chọn làm “điểm nhấn” trọng tâm.

Thời gian qua, huyện đã tập trung, lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng kết cấu hạ tầng như: thủy lợi, giao thông, lưới điện… để phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Ngoài ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XII), đã ban hành Nghị quyết số 05 về “Phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là ứng dụng CNC, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2021-2025”.

Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hòa Bình.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ấy, ngành tôm trên địa bàn huyện không ngừng phát triển cả về diện tích và sản lượng, nhất là mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Nếu năm 2021, huyện có hơn 991 ha nuôi tôm ứng dụng CNC, thì đến nay đã có trên 1.360 ha. Cùng với đó, huyện còn phối hợp với các ban, ngành tỉnh xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC gắn với thực hiện liên kết chuỗi giá trị tôm. Hiện có 3 Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản 30/4, Hợp tác xã Vĩnh Thành, Hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu thực hiện liên kết chuỗi giá trị với các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trong, ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm tôm nguyên liệu. Đồng thời, có 2 Hợp tác xã được chứng nhận ASC (Hợp tác xã Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản 30/4, Hợp tác xã CNC phát triển tôm Bạc Liêu), với diện tích 130 ha. Cũng như, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động các hộ nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng các công nghệ nuôi tôm hiện nay như: Công nghệ Biofloc, tuần hoàn, khép kín theo hướng VietGAP, GlobalGAP… khuyến khích ứng dụng một số công nghệ mới như: Công nghệ cảm biến (sensor) và IoT (Internet of Things) để giám sát các thông số môi trường (nhiệt độ, độ mặn, độ pH, oxy) từ xa, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…

ĐẾN PHẤN ĐẤU THÀNH ĐÔ THỊ LOẠI IV

Cùng với phát huy thế mạnh từ các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hòa Bình còn tích cực thi đua thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về xây dựng huyện Hòa Bình đạt đô thị loại IV vào năm 2025 và từng bước trở thành thị xã.

Với sự chung sức, chung lòng ấy, đến nay các chỉ tiêu cơ bản đều được thực hiện theo đúng tiến độ (đã đạt được 63/63 tiêu chuẩn, với tổng số điểm là 93,96/100, đạt yêu cầu về số điểm và không có nhóm tiêu chí dưới mức tối thiểu theo quy định), đã phản ánh sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân. Huyện Hòa Bình đã và đang tiếp tục đầu tư chỉnh trang diện mạo khu trung tâm để tạo điểm nhấn “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; đã tranh thủ và huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, gắn với kêu gọi sự đóng góp của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là quan tâm đầu tư, xây dựng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đảm bảo việc xây dựng huyện đạt đô thị loại IV.

Toàn cảnh Dự án điện gió Kosy Bạc Liêu nhìn từ trên cao.

Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng các hạ tầng kỹ thuật cho phát triển kinh tế và hạ tầng xã hội như: Khu Công viên văn hóa huyện được xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 năm 2023 và tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2; Hạ tầng cụm công nghiệp, hiện nay đang thực hiện các bước để phê duyệt điều chỉnh Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm Công nghiệp Vĩnh Mỹ và trình tỉnh cho chủ trương thực hiện các bước tiếp theo; Tập trung quy hoạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp – thực phẩm khép kín từng bước hiện đại, quản trị tốt theo tiêu chuẩn. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cao và giá trị lớn gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình mỗi xã ít nhất 1 sản phẩm chủ lực (OCOP) gắn mô hình hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm…

VÀ GÓP PHẦN ĐƯA BẠC LIÊU TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG TRUNG TÂM NĂNG LƯỢNG SẠCH CỦA QUỐC GIA

Hiện tại, trên địa bàn huyện có 04 nhà máy điện gió (Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Hòa Bình 5 và Điện gió Kosy) với tổng công suất 270 MW đang hoạt động; trong đó, Điện gió Hòa Bình 1 là một trong những điểm đến hấp dẫn của các tour, tuyến du lịch tại Bạc Liêu. Ngoài ra, các nhà đầu tư đang triển khai các bước để thực hiện các dự án như: Dự án nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG), dự án Hydro xanh,… khi các dự án này hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho huyện Hòa Bình, nhất là phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm ven biển,…

Với khát vọng phát triển không ngừng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hòa Bình mong muốn được liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước vào khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của huyện.

 

HỒ VĂN LINH, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1-2/2025)

09:38:52 13-01-2025

VHDN: Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ưu đãi, huyện Hòa Bình hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế năng động của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và vùng bán đảo Cà Mau nói chung. Đặc biệt, với thế mạnh […]

Đối tác của chúng tôi