Sự kiện - chuyên đề:

Huyện Hồng Dân: Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

VHDN: Để khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Dân đã bàn hành Nghị quyết số 04 của về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xây dựng huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo của tỉnh giai đoạn 2020-2025.

 

Vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao ở huyện Hồng Dân.

LỢI THẾ ĐƯỢC PHÁT HUY

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Hồng Dân đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng nên những mô hình, cách làm hay. Cụ thể huyện được quy hoạch sản xuất thành hai vùng rõ rệt: Vùng ngọt chuyên canh lúa, tập trung chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích trên 9.000 ha, sản lượng đạt 125.000 tấn. Vùng chuyển đổi sản xuất theo mô hình tôm – lúa, với diện tích trên 24.775 ha, sản lượng bình quân trên 151.000 tấn (tăng11.450 tấn).

Đạt được những kết qủa đáng ghi nhận đó do hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng được quan tâm đầu tư với 53 công trình đảm bảo phục vụ tốt cho phát triển sản xuất và giao thương hàng hóa. Đến nay, huyện đã xác định danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp huyện bao gồm 3 nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực trồng trọt (1 sản phẩm là lúa gạo), chăn nuôi (1 nhóm sản phẩm là heo thương phẩm), thủy sản (1 nhóm sản phẩm là tôm sú). Trong 3 nhóm sản phẩm chủ lực của huyện, đều thuộc nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia.

Nông dân trúng mùa tôm càng xanh trên đất lúa.

Cụ thể đối cây lúa, tổng diện tích lúa nước đạt hơn 34.000 ha và cho sản lượng đạt 276.963 tấn, tăng 14,44% so với năm 2020. Diện tích sản xuất lúa chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao, đặc sản của địa phương như: Một bụi đỏ, ST24, ST25, Đài thơm 8, OM 18, RVT, OM4900… đạt 65% trên cả hai tiểu vùng của huyện.

Đặc biệt, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện 26.872 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm 26.262 ha (tôm – lúa 24.775 ha, chuyên tôm 1.487 ha), trong đó Huyện ủy – UBND huyện xác định con tôm sú là sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, kết hợp thêm các loài thủy sản khác để gia tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Tổng sản lượng khai thác nuôi trồng thủy sản đạt 49.350 tấn, tăng 11,39% so năm 2020…

Phát huy thế mạnh này, Hồng Dân đã và đang mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn huyện đạt hơn 27.000 ha. Trong đó, nuôi tôm chiếm 98,2% tổng diện tích nuôi thủy sản, tập trung ở các xã vùng chuyển đổi của huyện. Các đối tượng nuôi là tôm sú, tôm càng xanh, cua biển, thẻ chân trắng và thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Bống tượng, chạch lấu, ba ba, rắn ri voi, ri cá, lươn đồng,… được người dân đầu tư nuôi và không ngừng phát huy hiệu quả.

ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ

Khai thác và phát huy thế mạnh này, huyện Hồng Dân sẽ tiếp tục thi đua thực hiện Nghị quyết số 04. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương lồng ghép việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, với trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, góp phần giải quyết được 4 vấn đề lớn trong nông thôn là: Hộ nghèo, thu nhập, lao động và kinh tế tập thể. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh mời gọi, thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển vào trong nông nghiệp, nhất là con tôm sú vốn được xem là lợi thế lớn của địa phương có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Mô hình lúa-tôm của nông dân huyện Hồng Dân.

Cùng với đó, tập trung và ưu tiên thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tăng cường đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển sản xuất. Song song đó, phát huy hiệu quả thực hiện chương trình đào tạo nghề nông thôn và đào tạo theo nhu cầu của thị trường, có sự gắn kết trong đào tạo nghề với các doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình dự án nông nghiệp công nghệ cao cho các hợp tác xã, cánh đồng lớn nằm trong chuỗi giá trị liên kết, tăng cường công tác tập huấn các mô hình nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap cho người nông dân, từ đó tạo ra giá trị tăng thêm trên sản phẩm, ứng dụng chuyển giao quy trình canh tác theo hướng an toàn, sinh học và bền vững cho môi trường sinh thái và sản phẩm chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần thông tin tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ban hành về hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn cho người dân, doanh nghiệp hiểu và rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế của địa phương. Phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư hỗ trợ có hiệu quả trong nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông sản, cũng như đầu tư phát triển nguồn cây, con, giống chất lượng cao ít nhiễm dịch bệnh…

Với khí thế đón chào xuân mới 2025, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hồng Dân mong muốn được hợp tác cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước cùng làm giàu từ con tôm, cây lúa.

 

DƯƠNG VĂN THỚI, Chủ tịch UBND huyện

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1-2/2025)

09:57:11 13-01-2025

VHDN: Để khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hồng Dân đã bàn hành Nghị quyết số 04 của về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xây dựng huyện Hồng Dân trở […]

Đối tác của chúng tôi