Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, huyện Hồng Dân sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nhiệp theo hướng phát triển hiệu quả và bền vững. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế cạnh tranh, vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực tập trung có quy mô lớn, chất lượng sản phẩm cao gắn với công nghiệp chế biến; tập trung xây dựng những vùng nguyên liệu có đủ điều kiện thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với đó là thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bình đẳng. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển vào trong nông nghiệp, đặc biệt là con tôm sú, lúa ngắn ngày chất lượng cao, lúa mùa Một bụi đỏ (đã được công nhận chỉ dẫn địa lý). Lồng ghép việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất góp phần giải quyết được 4 vấn đề lớn trong nông nghiệp-nông thôn là: Hộ nghèo, thu nhập, lao động và kinh tế tập thể.
Đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất lúa, gạo chất lượng cao; xây dựng huyện trở thành Trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo của tỉnh. Tăng cường kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp trên địa bàn, nhất là đầu tư các công trình nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch, trọng tâm là chế biến lúa, gạo xuất khẩu. Quan tâm chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững và xem cây lúa là trọng tâm để phát triển. Từ đó đổi mới các loại giống có chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh cao để khuyến khích người dân sản xuất. Trong đó tập trung các loại giống lúa cao sản, lúa thơm như: RVT, OM4900, ST24, ST25, Một bụi đỏ… gắn với bao tiêu đầu ra sản phẩm và hình thành Trung tâm sản xuất lúa giống của huyện.
Nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, huyện Hồng Dân sẽ tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn như: Nâng cấp và mở rộng các công trình giao thông, thủy lợi theo hướng không chỉ bảo đảm cung cấp đủ nước tưới, mà còn phải đảm bảo việc vận chuyển, tiêu thoát nước, chống úng ngập, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống thủy lợi phục vụ canh tác lúa ở vùng ngọt ổn định, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành các vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, vận hành và bảo trì hệ thống thủy lợi, quản lý kết cấu hạ tầng nông thôn. Tăng cường đầu tư cho thủy lợi gắn kết với hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là các đối tượng chủ lực gồm: tôm sú, cua biển, tôm càng xanh ở vùng chuyển đổi.
Song song đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao của huyện. Xây dựng các cơ chế chính sách linh hoạt, nhằm thực hiện phát triển nông nghiệp toàn diện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển trạm bơm điện, mạng lưới khuyến nông và kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác)… Định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là quan hệ đối tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và các cửa hàng bán rau an toàn gắn với vùng nguyên liệu tập trung ở các xã, thị trấn vùng ngọt ổn định.
Với một huyện giàu tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hồng Dân mong muốn được hợp tác và tăng cường đầu tư giữa các tập đoàn, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cùng thi đua làm giàu trên vùng đất giàu tài nguyên này.
Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân
Theo Tạp chí VHDNVN tháng 1/2022
VHDN: Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hồng Dân (lần thứ XIII) và đưa huyện phát triển nhanh, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, đồng […]