Sự kiện - chuyên đề:

Huyện Hồng Dân: Phát huy lợi thế mô hình “lúa thơm, tôm sạch”

VHDN: Trong Quy hoạch tổng thể tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, huyện Hồng Dân được xác định là khu vực phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ logistics trung chuyển hàng hóa tới các điểm kết nối với các tuyến cao tốc đi qua tỉnh.

Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao ở huyện Hồng Dân.

GIÀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH

Phát huy lợi thế này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xây dựng huyện Hồng Dân trở thành Trung tâm sản xuất lúa, xuất khẩu gạo của tỉnh. Xuất phát từ điều kiện sinh thái đặc thù, nên huyện Hồng Dân rất giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát triển cây lúa và nuôi trồng thủy sản. Đối với vùng mặn, sản xuất mô hình tôm – lúa là trọng tâm kết hợp với các loài thủy sản chất lượng cao. Trong đó, Hồng Dân đang tập trung phát triển mô hình “lúa thơm, tôm sạch”, với hàng hóa rất chất lượng và có sức cạnh tranh cao. Riêng vùng ngọt tập trung sản xuất lúa theo mô hình liên kết gắn với các quy trình sản xuất lúa, gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Gạo một bụi đỏ – một trong những đặc sản nổi tiếng của Hợp tác xã Ba Đình, huyện Hồng Dân.

Hiện Hồng Dân đang quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tạo ra giá trị gia tăng cao. Theo đó, huyện đã xác định danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp huyện bao gồm 3 nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực trồng trọt (1 sản phẩm là lúa gạo), chăn nuôi (1 nhóm sản phẩm là heo thương phẩm), thủy sản (1 nhóm sản phẩm là tôm sú). Trong 3 nhóm sản phẩm chủ lực này, đều thuộc nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực Quốc gia (theo Thông tư số 37 của Bộ NN&PTNT). Trong đó, sản phẩm lúa chất lượng cao và đặc sản của địa phương như: Một bụi đỏ, ST24, ST25, được thị trường trong, ngoài tỉnh rất ưa chuộng và liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng được 7 mã vùng trồng trên địa bàn 3 xã gồm: Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A chủ yếu các giống ST24, ST25, LT28 gắn với liên kết chuỗi an toàn và cung cấp ra thị trường trong, ngoài tỉnh gần 2.250 tấn. Đặc biệt, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt hơn 26.870ha và xác định con tôm sú là sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây cũng là sản phẩm rất đặc thù được nuôi trên đất lúa-tôm tạo ra sản phẩm sạch, quy trình canh tác thân thiện với môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, với tổng sản lượng tôm nuôi đạt gần 16.000 tấn/năm. Ngoài con tôm sú, còn có tôm càng xanh, cá đồng và nhiều loại cây ăn trái, hoa màu khác được phát triển trên vùng đất lúa-tôm gắn với những mô hình du lịch nông nghiệp mang tính cộng đồng sẽ được phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Với khát vọng phát triển không ngừng và khai thác, phát huy thế mạnh này, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hồng Dân mong muốn được hợp tác, liên kết phát triển sản xuất với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngoài nước, nhằm hình thành nên những khu, cụm công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ logistics. Trong cam kết của mình, huyện Hồng Dân sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng quy hoạch sử dụng đất sát với tình hình thực tế và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Tôm sú nuôi trên đất lúa cho chất lượng cao.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh học để phát triển bền vững và tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Cũng như, không ngừng nâng cao giá trị trong nông nghiệp và quảng bá các thế mạnh của địa phương về du lịch, nông nghiệp sinh thái và các khu di tích lịch sử đã được công nhận. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là con tôm sú vốn có lợi thế lớn và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình dự án nông nghiệp công nghệ cao cho các HTX, cánh đồng lớn, nằm trong chuỗi giá trị liên kết, tăng cường công tác tập huấn các mô hình nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP cho người nông dân. Từ đó tạo ra giá trị tăng thêm trên sản phẩm, ứng dụng chuyển giao quy trình canh tác theo hướng an toàn, sinh học, bền vững cho môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh cao…

 

Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1&2/ 2024)

16:16:25 20-01-2024

VHDN: Trong Quy hoạch tổng thể tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, huyện Hồng Dân được xác định là khu vực phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ logistics trung chuyển hàng […]

Đối tác của chúng tôi