Xuất phát từ thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, từ nay đến năm 2025 Đảng bộ huyện Hồng Dân sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện mục tiêu đột phá này, huyện Hồng Dân sẽ tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và chú trọng tổ chức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng sinh học, nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất theo hướng theo hướng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu vào để tăng năng suất, giá trị hàng hoá; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc trưng từng xã, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm chủ lực.
Theo đó, huyện sẽ phát triển các sản phẩm chủ lực như: tôm, cua, cá, rau, quả công nghệ cao, lúa gạo chất lượng cao gắn xây dựng, phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị “Liên kết 4 nhà”, nhất là xây dựng và mở rộng mô hình sản xuất lúa – tôm. Phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt khoảng 5.673 tỷ đồng.
Đối với vùng ngọt ổn định, huyện sẽ ưu tiên sản xuất 2 vụ lúa chất lượng cao, tạo thương hiệu sản phẩm sạch, có năng suất, chất lượng, cạnh tranh và liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với diện tích canh tác hơn 8.990 ha. Đồng thời, tập trung phát triển và nhân rộng cánh đồng lớn nâng cao giá trị sản xuất có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Xây dựng 200ha vùng nguyên liệu tập trung sản xuất giống trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương. Xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau an toàn tại thị trấn Ngan Dừa và xã Ninh Qưới A trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (Viet Gap) trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Riêng vùng xâm nhập mặn, sẽ phát triển mô hình lúa – tôm (diện tích 23.000 – 25.000 ha/ năm, trong đó diện tích 3.000ha làm lúa theo tiêu chuẩn VietGap), lấy tôm sú, lúa chất lượng cao và lúa Một bụi đỏ là trọng tâm, kết hợp các loài thủy sản nước lợ có giá trị kinh tế cao, như: tôm càng xanh, cua, cá bống tượng… Phấn đấu tăng sản lượng tôm gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tiếp tục mở rộng sản xuất mô hình tôm sạch – lúa an toàn, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thay đổi cơ cấu giống lúa phù hợp, quy hoạch vùng sản xuất lúa thương hiệu “Một bụi đỏ” theo đúng tiêu chuẩn, quy định, đảm bảo uy tín của địa phương. Đồng thời phát triển chỉ dẫn địa lý gạo Một bụi đỏ của huyện và tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, sẽ tích cực mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Ninh Quới (xã Ninh Quới A) và chú trọng phát triển công nghiệp nhẹ để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng nhà máy lương thực Vĩnh Lộc thành nhà máy chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao có quy mô lớn cấp tỉnh, đảm bảo khép kín từ đầu tư cho sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu. Tổ chức, sắp xếp lại các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống (nghề mộc ở xã Ninh Hòa, dệt chiếu, rèn ở thị trấn Ngan Dừa, đan đát ở xã Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi A…) theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, từng bước tổ chức các làng nghề và đưa vào hệ thống các điểm du lịch, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch.
Rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể để phát triển kinh tế – xã hội của huyện, quy hoạch các xã (trong đó Ninh Quới A trở thành thị trấn, Vĩnh Lộc A là đô thị loại V), mở rộng không gian đô thị thị trấn Ngan Dừa … phù hợp với không gian quy hoạch chung của tỉnh. Đồng thời, tăng cường mời gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu…
Cùng với đó là tập trung thu hút đầu tư và phát triển du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhanh các loại hình dịch vụ. Tăng cường xúc tiến thương mại, huy động các nguồn lực để mở rộng, hoàn thiện hệ thống các chợ nông thôn (Vĩnh Phú, Ba Đình, Ninh Quới, Cầu Đỏ, Ninh Thạnh Lợi). Mở rộng Trung tâm thương mại thị trấn Ngan Dừa với hệ thống Trung tâm mua sắm phức hợp, nhà phố và các dịch vụ công cộng. Tiếp tục nâng cấp, bảo tồn và khai thác các giá trị di tích lịch sử, cách mạng (Khu căn cứ Tỉnh ủy, Khu căn cứ Huyện ủy, nhà truyền thống Đảng bộ huyện, tượng đài kỷ niệm các sự kiện lịch sử); đồng thời khuyến khích duy trì các cơ sở, sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer, Hoa; đầu tư, khai thác hợp lý loại hình du lịch sinh thái tuyến sông bao bọc từ Ngan Dừa – Ninh Hòa – Ninh Quới – Ninh Quới A; Ngan Dừa – Vĩnh Lộc – Vĩnh Lộc A – Khu Căn cứ Tỉnh ủy – Chùa Kosthum, phục vụ khách tham quan. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các điều kiện phục vụ cho 2 tuyến du lịch: 1 tuyến đường bộ và 1 tuyến đường sông liên kết các địa danh trong huyện gắn với các tua, tuyến du lịch của tỉnh và khu vực…
Với những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trên, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hồng Dân sẽ nỗ lực thi đua đưa huyện Hồng Dân phát triển nhanh, bền vững và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIII đã đề ra.
Kim Trung
VHDN:Phát huy thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện Hồng Dân sẽ tập trung huy động nhiều nguồn lực và khai thác theo chiều sâu để phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và xây dựng […]