Sự kiện - chuyên đề:

Huyện Thường Xuân (Thanh Hóa): Không để hộ nghèo bị bỏ lại phía sau

VHDN: Là một huyện nghèo thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo theo chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Thường Xuân đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ.

 

Ngay từ ngày đầu triển khai, UBND huyện Thường Xuân đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn trên địa bàn tập trung làm tốt công tác thống kê, lập danh sách các hộ khó khăn cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Nhờ đảm bảo công khai nên chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại đây đã được đầu tư đúng đối tượng, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Ông Cầm Bá Đứng cho biết, để chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước phát huy hiệu quả cao nhất, ngoài làm tốt công tác rà soát danh sách các hộ được thụ hưởng, để nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích là xây dựng, sửa chữa nhà, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn giải ngân, chi trả kinh phí cho các hộ theo 3 đợt, tương ứng với 3 giai đoạn thi công. Nhờ đó, 100% kinh phí của chương trình đều được sử dụng đúng mục đích, đối tượng.

Xây dựng nhà đại đoàn kết tại huyện Thường Xuân.

Tính đến ngày 5/4/2024, tổng kinh phí đã giải ngân là 13,318 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 78,89%. Trong đó, số hộ nghèo đã được giải ngân 272 hộ, số cận nghèo là 166 hộ, số nhà làm mới 259 hộ, số sửa chữa nâng cấp 186 hộ. Ngoài ra, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai mọi giải pháp, nỗ lực thực hiện mục tiêu theo kế hoạch đề ra: Trong quý II năm nay có 90 hộ được hỗ trợ xây mới, 31 hộ sửa chữa, cải tạo nhà ở năm 2024 và số còn tồn đọng năm 2023. Ngoài ra, song song với thực hiện đề án hỗ trợ này, huyện đang tích cực triển khai thực hiện các chương trình về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo như: Chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết của Mặt trận tổ quốc, chương trình vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ xây dựng nhà cho đồng bào vùng khó khăn của tỉnh…

Tuy nhên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đề án đã bộc lộ một số bất cập cần được xem xét giải quyết. Trong đó khó khăn đầu tiên là định mức hỗ trợ xây mới (40 triệu đồng/hộ) và sửa chữa còn thấp, nên không ít hộ đã buộc phải xin rút khỏi danh sách hỗ trợ do không có điều kiện huy động thêm kinh phí để xây dựng. Ngoài ra còn khó khăn do tâm lý, tín ngưỡng về lựa chọn phong thủy, chọn tuổi làm nhà, có nhiều hộ đã ly hôn… Bên cạnh đó, trong quá trình rà soát nhiều hộ đã được hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, nhưng vẫn khó khăn về nhà ở nên phải đưa ra khỏi danh sách.

Thực tế cho thấy, đến nay, dù mới qua khoảng nửa chặng đường, nhưng Đề án đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp cho nhiều hộ khó khăn về nhà ở được ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, tăng thu nhập, tiến tới giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

 

Phương Giang

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2024)

15:05:22 10-07-2024

VHDN: Là một huyện nghèo thuộc diện được hỗ trợ theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo theo chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Thường Xuân đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ.   Ngay từ ngày đầu triển khai, […]

Đối tác của chúng tôi