Sự kiện - chuyên đề:

Huyện Vĩnh Lợi: Quyết tâm làm giàu từ phát triển du lịch

VHDN: Phát triển du lịch đã trở thành 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh Bạc Liêu và được cụ thể hóa trong Quy hoạch tổng thể đến năm 2023, tầm nhìn 2050. Phát huy thế mạnh này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời xem đây là một trong những đột phá quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần vào tăng trưởng GRDP.

 

GIÀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH

Với vị trí nằm ngay cửa ngỏ của tỉnh Bạc Liêu, có nhiều công trình lịch sử, văn hóa tâm linh và văn hóa dân gian của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, đã giúp Vĩnh Lợi hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nhiều loại hình du lịch. Đến với Vĩnh Lợi, ngoài 2 di tích cấp Quốc gia nổi tiếng với Đền thờ Bác Hồ, xã Châu Thới và Tháp cổ Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Hưng A, còn có 4 di tích cấp tỉnh khác là Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi, Chùa Giác Hoa, Trận đánh Đồn Cầu Trâu năm 1962 và Đình Tân Long. Cái độc đáo là gắn với các di tích này là các phong tục, tập quán phản ánh sinh động truyền thống hiếu nghĩa, thủy chung và văn hóa hào sảng, anh hùng của người Nam bộ. Đó là tục thờ và cúng cơm Bác Hồ kính yêu thông qua lập bàn thờ Bác trong nhà và làm bàn thời, nhà nhà treo ảnh Bác trong mỗi dịp xuân về, tạo nên một nét đẹp rất riêng của vùng đất Bạc Liêu.

Nhân dân tổ chức cúng cơm Bác ở Đền thờ Bác Hồ.

Cùng với đó, còn có điểm du lịch tâm linh Chùa Hưng Thiện, xã Hưng Hội, nơi đây có tượng phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long (43,5m) và cũng là nơi thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, du lịch. Cũng như, chùa Giác Hoa với kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ sự kết hợp Đông và Tây. Rồi các công trình chùa và miếu của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa và các lễ tục dân gian đặc sắc khác đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu thể hiện sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc. Chưa dừng ở đó, với lợi thế về điều kiện tự nhiên phong phú, hệ sinh thái đặc thù đã sản sinh ra nhiều thứ đặc sản mang màu sắc Bạc Liêu. Đó là mắm chua Vĩnh Hưng, mắm mặn Cầu Sập, khô cá kèo, bánh gừng, bánh ớt, dưa năn bộp, dưa bồn bồn, rượu vang sơ ri, gạo Tài Nguyên Vĩnh Lợi…

Ngoài ra, Vĩnh Lợi còn có 2 sản phẩm văn hóa phi vật thể “Chữ viết trên lá cọ” và “Điệu hò chèo ghe” và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với sự phát triển của các mô hình du lịch nông nghiệp đang hình thành hứa hẹn sẽ tạo thêm những sản phẩm du lịch tiêu biểu mới, góp phần khai thác thêm giá trị gia tăng từ thế mạnh nông nghiệp và từng bước chuyển dịch sang các loại hình du lịch, dịch vụ và thương mại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ ĐẦU TƯ

Với mục tiêu khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh này và phấn đấu đến năm 2025 được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng, huyện Vĩnh Lợi sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Theo đó, Vĩnh Lợi sẽ tập trung làm tốt quy hoạch thông qua lựa chọn, quy hoạch những khu vực có lợi thế, có khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, có vườn cây ăn trái để phát triển du lịch sinh thái, du lịch miền quê. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đa dạng hóa, hoàn thiện và nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe. Cũng như, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch theo hướng cao cấp, đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.

Khu du lịch sinh thái “Cánh Đồng Cậu Ba”, một trong những điểm đến rất lý tưởng tại huyện Vĩnh Lợi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và động viên sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch, hướng đến xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm gắn với phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương phục vụ phát triển du lịch. Song song đó, đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các điểm du lịch. Đầu tư hệ thống các bến tàu, xe đối với địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Đặc biệt là tập trung mời gọi và đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng các điểm dừng chân, kinh doanh dịch vụ và quảng bá sản phẩm du lịch của huyện. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phát triển du lịch, nhất là đào tạo hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và đội ngũ lao động, nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch. Có chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại địa phương…

Vũ điệu của tiên nữ Apsara ở Chùa Đầu, chào đón du khách đến tham quan du lịch.

Thổi bùng khát vọng không ngừng phát triển và làm giàu từ du lịch, Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lợi mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngoài tỉnh, cùng các công ty lữ hàng vào đầu tư, khai thác du lịch. Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lợi cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất, ưu đãi và hỗ trợ cao nhất theo quy định của pháp luật cho các dự án du lịch mang tính dẫn dắt và tạo nên sức lan tỏa lớn.

 

Trương Thanh Nhã, Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Lợi

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1&2/ 2024)

15:19:09 20-01-2024

VHDN: Phát triển du lịch đã trở thành 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh Bạc Liêu và được cụ thể hóa trong Quy hoạch tổng thể đến năm 2023, tầm nhìn 2050. Phát huy thế mạnh này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi (khóa XII) đã […]

Đối tác của chúng tôi