Sự kiện - chuyên đề:

Kết nối đưa hàng việt chất lượng vào hệ thống phân phối

VHDN:Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Trong khi đó, 67% số người được khảo sát xác định sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam và 36% đã dừng thói quen mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài. Đây là thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dịch COVID-19.

Hàng Việt tại siêu thị nước ngoài lên tới 96%

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp (DN) trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 – 90%. Cụ thể, Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (90%), BRG Retail (90%), hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh (95%),… Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Cụ thể, Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), Aeon (80% theo mã hàng), Mega Market (95% theo mã hàng)… Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỷ trọng cao (70-90%). Đây là con số ấn tượng đối với hàng Việt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống phân phối hàng hóa suốt từ Trung ương đến các địa bàn vùng sâu, xa ở các địa phương. Thông qua Chương trình phát triển thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa tại Việt Nam được tiêu thụ mạnh mẽ hơn, góp phần cho các DN sản xuất tại Việt Nam tiêu thụ được hàng hóa, qua đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đặt trong bối cảnh DN phải đối đầu với hàng hóa của các nước đang phát triển có mặt tại Việt Nam hiện nay.

Hàng Việt dần khẳng định chất lượng và vị thế của mình đối với người tiêu dùng, theo đó, các kênh phân phối, siêu thị cũng gia tăng việc bày bán, tiêu thụ các sản phẩm Việt. Tuy nhiên, hàng Việt đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa ngoại nhập về chất lượng, giá cả, mẫu mã… Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều FTA, hàng loạt FTA lớn đã và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thực thi đặt ra cho các DN Việt nhiều thách thức. Bởi, DN phân phối, sản xuất lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh, nguồn hàng hóa phong phú, dồi dào. Điều này có thể dẫn đến khả năng các DN phân phối, sản xuất trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các DN nước ngoài.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, thị trường nội địa rất có tiềm năng, nhất là khi cuộc sống của người dân trong nước ngày càng được nâng cao. Để giúp hàng dệt may Việt Nam ngày càng cạnh tranh tốt hơn trên “sân nhà”, ngoài nỗ lực tự thân của DN, rất cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy thị trường nội địa. Hiện, thị trường nội địa chỉ chiếm 15% năng lực sản xuất của DN dệt may. DN dệt may đang đi bằng cả “2 chân”, nội địa và xuất khẩu. Ngành đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy việc tăng cường chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ví dụ như tập trung nâng cao chất lượng; xây dựng thương hiệu mẫu mã phong phú với giá cả phù hợp túi tiền người dân; hàng năm tổ chức hội chợ quảng cáo để làm thay đổi hành vi nhận thức người dân…

Theo một số chuyên gia, ngoài áp lực hàng ngoại thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm còn xuất hiện nhiều trên thị trường, chưa được kiểm soát, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước gây hoang mang, lo lắng, làm mất niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam.

Kết nối doanh nghiệp Việt với các hệ thống phân phối nước ngoài

Mới đây, tại “Hội thảo tập huấn trực tuyến – kết nối DN Việt Nam với các Hệ thống Phân phối nước ngoài” đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến… Qua đây, có thể kết nối các DN xuất khẩu trực tiếp với bộ phận mua hàng của các tập đoàn phân phối lớn. Các chuyên gia của Aeon, Central Group, Lotte, Wallmart và Mega Market đều cho rằng, để đưa được hàng hoá, sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng trong hệ thống phân phối toàn cầu của họ thì trước hết các DN cần phải tuân thủ các yêu cầu cụ thể về tiêu tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến.

Ở góc độ DN bán lẻ, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho rằng, kết nối đưa hàng Việt chất lượng vào hệ thống phân phối là điểm trọng yếu đối với hàng Việt. Hệ thống phân phối hiểu những khó khăn của những nhà sản xuất, xuất khẩu đang gặp phải. “Chúng tôi đã liên kết và kết nối để làm sao đưa những mặt hàng nông sản Việt Nam chất lượng cao vào hệ thống phân phối. Tuy nhiên, đang có sự khác biệt về quy cách sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các nhà sản xuất Việt Nam để điều chỉnh lại quy cách sản phẩm, mẫu mã cho phù hợp hơn với khách hàng trong nước”, ông Dũng nhấn mạnh. Theo ông Dũng, các khu vực sản xuất nông sản để xuất khẩu trước kia cũng đang hướng đến thị trường nội địa và đang có sự phối hợp tích cực với các kênh phân phối, đặc biệt là các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại. Qua thời kỳ dịch bệnh, nông sản Việt cần phải “đi bằng hai chân” là bao gồm thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu mới đảm bảo phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc tăng cường xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối lớn là giải pháp hữu hiệu, có thể giúp các sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. DN Việt có thể nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị của các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới. Trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương giao Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ phối hợp với một số tập đoàn phân phối lớn xây dựng bộ cẩm nang hướng dẫn các bước cụ thể để doanh nghiệp có thể trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng quốc tế của các tập đoàn phân phối lớn.

Lưu Hiệp

 

13:40:01 10-09-2020

VHDN:Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Trong khi đó, 67% số người được khảo sát xác định sẽ […]

Đối tác của chúng tôi