Sự kiện - chuyên đề:

Khách hàng thuê luật sư tính kiện EVN: ‘Điều tôi cần…’

Ông Đ.H.N cho rằng, điều ông cần là sự rõ ràng, minh bạch từ việc tính hoá đơn tiền điện cho đến giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Xung quanh xôn xao vụ ông  Đ.H.N (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phản ánh tiền điện tháng 6 tăng cao bất thường, sáng ngày 3/7, trao đổi với báo Đất Việt, đại diện Công ty Điện lực Hoàn Kiếm cho biết, ngay sau khi tiếp nhận đơn, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, Trưởng phòng kinh doanh của đơn vị này đã gặp trực tiếp khách hàng.

Tại cuộc gặp này, ông Đ.H.N đã yêu cầu giải thích vì sao tiền điện tăng cao và yêu cầu EVN phải minh bạch quá trình ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện.

“Trong quá trình làm việc, nhóm công tác đã giải thích công tác ghi chỉ số công tơ của khách hàng được sử dụng thiết bị ghi chỉ số dùng sóng RF (Đọc chỉ số công tơ tại hiện trường) nên loại trừ khả năng ghi sai chỉ số do chủ quan” – đại diện Điện lực Hoàn Kiếm cho biết.

Hoá đơn tiền điện khách hàng Đ.H.N ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Dân Trí

Đồng thời đơn vị này giải thích hóa đơn tiền điện tăng cao là do tiêu thụ điện tăng cao trong nắng nóng và quá trình ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện cho khách hàng là chính xác, công khai minh bạch, khẳng định công tơ được kiểm định ở đơn vị độc lập.

Còn theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, công tơ của gia đình ông Đ.H.N được kiểm định tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội. Kết quả giấy chứng nhận kiểm định cho thấy: Đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Trước đó, theo thông tin trên báo Dân Trí, ông Đ.H.N cho biết đã thuê luật sư, lên phương án kiện Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thiếu minh bạch trong việc tính số điện.

Ông Đ.H.N cho rằng, EVN là đơn vị cung cấp điện độc quyền, do vậy trước những vấn đề khách hàng đặt ra, cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử để đảm bảo khách quan, chính xác.

“Tôi đang lên phương án một cách bài bản về vấn đề khởi kiện. Có thể sẽ khởi kiện EVN Hoàn Kiếm – đơn vị trực tiếp cung cấp điện trong hợp đồng mua bán, cũng có thể là EVN Hà Nội hoặc cao hơn là Tập đoàn EVN.

Sau thông tin tôi chia sẻ trên trang cá nhân, có rất nhiều khách hàng cùng “cảnh ngộ”, con số lên tới hàng nghìn người, họ nói cũng muốn tham gia. Do vậy, tôi cũng đang cân nhắc. Mục tiêu của tôi là đòi hỏi họ phải minh bạch và buộc họ chứng minh được sự minh bạch của mình, tiến tới cho một xã hội công bằng văn minh” – ông Đ.H.N chia sẻ.

Cũng theo ông Đ.H.N, không chỉ một vài khách hàng, mà có tới hàng chục nghìn hộ dân bức xúc về hoá đơn tiền điện thì phía điện lực cũng cần xem lại các quy trình của mình.

Theo ông Đ.H.N, ông không than thở việc điện đắt hay rẻ, thậm chí ông còn ủng hộ giá điện cao, có như thế mới thu hút được đầu tư vào sản xuất điện. Tuy nhiên, điều ông cần là sự rõ ràng, minh bạch trong tất cả các quy trình, từ việc tính hoá đơn tiền điện cho đến giải quyết khiếu nại của khách hàng như chất lượng công tơ.

Trước đó, trên trang cá nhân của mình, ông Đ.H.N bức xúc vì hóa đơn phải trả trong tháng 6 cao gần gấp đôi so với tháng 3,4 – trong khi thời điểm thực hiện cách ly xã hội ông cho rằng đây là thời gian dùng “kỷ lục” của gia đình mình. Thậm chí thời điểm tháng 6, ông này cho biết còn đi công tác rất nhiều ngày.

Theo DV

15:41:04 03-07-GMT+0700

Ông Đ.H.N cho rằng, điều ông cần là sự rõ ràng, minh bạch từ việc tính hoá đơn tiền điện cho đến giải quyết khiếu nại của khách hàng. Xung quanh xôn xao vụ ông  Đ.H.N (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phản ánh tiền điện tháng 6 tăng cao bất thường, sáng ngày 3/7, […]

Đối tác của chúng tôi