Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Tây Nam, huyện Mỹ Đức có điều kiện tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng với núi, đồng bằng, hệ thống sông, suối, hồ mang lại nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp và loại hình du lịch sinh thái. Với tiềm năng sẵn có về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và các di tích lịch sử văn hóa tâm linh nổi tiếng, trong những năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức đã xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để mang lại giá trị bền vững cho người dân.
Ngoài ra, với địa hình bán sơn địa, Mỹ Đức còn sở hữu hồ Quan Sơn, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng gần 1.500ha, trong đó có trên 500ha mặt hồ với nhiều núi đá, đảo nổi trên mặt nước. Cách đó không xa là Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.120ha, có núi đồi và hệ thống hồ nước, khí hậu trong lành, phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe…
Bên cạnh tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình đa dạng, Mỹ Đức còn sở hữu nhiều làng nghề nổi tiếng như nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá, Phù Lưu Tế; nghề mây, tre, giang đan Đông Mỹ và đặc biệt là nghề múa rối ở Tế Tiêu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Những tiềm năng ấy chính là “tài sản”, là nền tảng để Mỹ Đức xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2026.
Với tiềm năng và lợi thế thiên nhiên ưu đãi, huyện Mỹ Đức xác định hai lĩnh vực trọng yếu trong phát triển kinh tế của địa phương là nông nghiệp và du lịch, trong đó, nông nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn. Bên cạnh Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn có mùa lễ hội kéo dài 3 tháng đầu năm, Mỹ Đức còn sở hữu tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và nông nghiệp. Đây chính là thế mạnh của huyện để đẩy mạnh phát triển du lịch “xanh”, đa dạng hóa sản phẩm du lịch – dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển. Lợi thế được thiên nhiên ban tặng nhiều quần thể danh thắng di tích, lễ hội và du lịch sinh thái đã mở ra hướng chuyển đổi kinh tế cho huyện Mỹ Đức.
Xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là khai thác lợi thế du lịch, UBND huyện đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, phát triển các điểm nông nghiệp du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn. Trên địa bàn huyện đã xây dựng được vùng trồng sen kết hợp du lịch hơn 300 ha tại xã Hương Sơn và An Phú và vùng trồng lúa hữu cơ 20 ha tại xã Mỹ Thành. Các mô hình đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh gắn với du lịch tại Mỹ Đức đang là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn. Với việc xác định đúng hướng đi, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tin rằng trong tương lai không xa, cùng với du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp sinh thái ở huyện Mỹ Đức sẽ phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần đưa du lịch của huyện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Hoàng Quyết
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2024)
VHDN: Mỹ Đức là huyện phía Tây Nam thành phố Hà Nội, từ lâu đã được biết đến là nơi có phong cảnh hữu tình, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Đó là danh thắng Hương Sơn đi vào thi ca, huyền thoại, hồ Quan Sơn thơ mộng, dòng sông Đáy hiền hòa cùng […]